“Tranh truyện Hàng Trống”, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(BKTO) - Đây là tên gọi của triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm nhằm giới thiệu và lan tỏa tình yêu di sản tới công chúng về vẻ đẹp và giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà Thành, rộng hơn là giá trị văn hóa truyền thống qua tranh...

b.png
Các tác phẩm tại triển lãm. Ảnh: N.Lộc

Tranh truyện là dòng tranh cần có sự đầu tư lớn, từ việc mua ván gỗ để khắc in tranh. Không phải loại gỗ nào cũng có thể dùng để khắc bản in, mỗi tấm tranh phải ghép từ 2 đến 3 tấm ván gỗ lại với nhau. Sau khi ghép, những người thợ mộc phải gia công các ván gỗ này cho bằng phẳng, rồi mới đến công đoạn gia công về vẽ và khắc gỗ.

Từ vẽ đến khắc gỗ là một quá trình hết sức kỳ công, tốn rất nhiều chi phí và thời gian, hơn thế nữa không phải người thợ nào cũng có thể khắc được bản in của tranh truyện Hàng Trống. Những người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề rất cao mới có thể hoàn thiện được những bản in đẹp nhất, tinh xảo nhất.

cc.png

Nét vẽ của tranh Hàng Trống rất giàu tính nghệ thuật, có đậm, có nhạt, có màu sắc đặc trưng.

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống đã có từ cách đây hàng trăm năm. Do những biến động của lịch sử, từ những năm 1945 đã không còn in dòng tranh truyện, nếu có cũng chỉ là các dòng tranh nhỏ, tranh đơn.

Tranh Hàng Trống là một dòng tranh quý, nhưng nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết: "Tranh Hàng Trống không phải tất cả đều bắt nguồn từ Hàng Trống. Từ trước năm 1945 ở đình Hàng Trống có một chợ buôn bán tranh, đây là nơi tập trung của tất cả các thương nhân đến từ Thường Tín, Canh Diễn, hay các làng nghề vẽ tranh xung quanh vùng đất Kinh kỳ.... Có rất nhiều nghệ nhân làm dòng tranh này theo cùng một phong cách tranh Hàng Trống, từ công đoạn khắc nét, in tranh rồi vẽ lại tranh bằng bút, sau đó mới tô màu".

Mỗi bức tranh Hàng Trống đến từ nhưng nơi khác nhau đều có một vẻ đẹp riêng biệt, nhưng lại mang cùng một phong cách nghệ thuật tranh Hàng Trống, điều đó nói lên sức sống của một nền nghệ thuật dân tộc, sức sống đó cho thấy kinh thành Thăng Long là nơi "Tinh hoa hội tụ", không những thế những tinh hoa đó còn lan tỏa ra khắp các vùng xung quanh.

1.png
Triển lãm thu hút nhiều đối tượng công chúng... Ảnh: N.Lộc

Triển lãm giới thiệu 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện nằm trong bộ sưu tập của họa sĩ Phan Ngọc Khuê, mỗi bức tranh trong triển lãm tính đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm chứa đựng rất nhiều những tâm huyết mà họa sĩ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm.

Nhân dịp này, để lan tỏa những giá trị di sản văn hóa dân tộc, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 4 bức tranh nằm trong bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ” - một trong những tác phẩm có giá trị xã hội, văn hóa truyền thống rất lớn.

screenshot-2024-03-20-193110.png
Du khách nước ngoài hứng thú khi tham quan triển lãm. Ảnh: N.Lộc

Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc Nữ nhi - Anh kiệt. Các tác phẩm nhằm ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, thông qua đó đề cao giáo dục về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, việc giáo dục truyền thống qua các tác phẩm tranh đặc sắc là hướng đi mới đang được bảo tàng đẩy mạnh triển khai, hướng tới hiệu quả và tính lan tỏa của các tác phẩm đến đông đảo công chúng, giúp người dân, toàn xã hội hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó hướng theo những giá trị tốt, loại bỏ điều xấu. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31/3, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, TP. Hà Nội./.

Cùng chuyên mục
“Tranh truyện Hàng Trống”, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống