Biến đổi dân số tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mang lại cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển của đất nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036 và dân số siêu già vào năm 2056 nên cần phải có giải pháp phù hợp để tránh tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

16.jpg
Vào thời điểm ngày 01/4/2022, tổng dân số của Việt Nam là 99,2 triệu người. Ảnh minh họa

Cảnh báo dân số già hóa nhanh

Số liệu thống kê cho thấy, tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2022 là 99,2 triệu người (trong đó, nam là 49,3 triệu người, chiếm 49,7%; nữ là 49,9 triệu người, chiếm 50,3%). Quy mô dân số Việt Nam không ngừng gia tăng với bình quân mỗi năm tăng khoảng gần 1 triệu người từ năm 2009 đến nay.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thông kê - cho biết, qua những nghiên cứu và dự báo, quy mô dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ giảm dần cho đến năm 2060. Sau thời kỳ này, dân số sẽ tăng không đáng kể và bắt đầu giảm vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XXI. Năm 2022, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi là 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên lần lượt là 24,1% và 8,5%. Xét về cấu trúc tuổi thì Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, khi mà cứ 1 người phụ thuộc thì được 2 người trong độ tuổi lao động “gánh đỡ”. Dự báo thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2039. Tuy nhiên, song song với thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam cũng đang trong thời kỳ già hóa dân số nhanh.

Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036 và dân số siêu già vào năm 2056, cơ cấu tuổi khi đó không còn đem lại lợi thế cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, theo các chuyên gia, lợi tức nhân khẩu học mà một quốc gia có được không chỉ dựa vào cơ cấu tuổi của dân số mà còn phải dựa trên hiệu quả kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng, được đo lường thông qua tỷ số hỗ trợ kinh tế (so sánh giữa tổng thu nhập từ lao động và tổng chi tiêu dùng cuối cùng).

Theo GS. Sang Hyop Lee - Trưởng dự án Tài khoản chuyển nhượng quốc gia khu vực châu Á, lợi tức nhân khẩu học gồm 2 loại là lợi tức nhân khẩu học thứ nhất - đạt được trong bối cảnh cấu trúc thu nhập và chi tiêu theo tuổi không thay đổi, tỷ số hỗ trợ kinh tế tăng nhờ sự biến đổi thuận lợi trong cấu trúc tuổi của dân số; và lợi tức nhân khẩu học thứ hai - đạt được nhờ tăng năng suất lao động, kéo theo sự tăng tích lũy tài sản, khi đó tỷ số hỗ trợ kinh tế sẽ tăng lên.

Song song với việc triển khai các chính sách về năng suất lao động, Việt Nam cần thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, tăng tuổi nghỉ hưu, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì lợi tức nhân khẩu học ngay cả khi đất nước chính thức bước vào thời kỳ dân số già.

Cần tăng năng suất lao động và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động

Thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam những năm qua cho thấy, từ năm 2011-2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, bình quân mỗi năm tăng trưởng đạt 6,21%. Riêng trong 2 năm (2020, 2021) chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, GDP giảm xuống mức thấp kỷ lục, với 2,87% và 2,55%, nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn được nhìn nhận là câu chuyện thành công so với mức tăng trưởng âm của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với việc triển khai nhiều chương trình phục hồi kinh tế, GDP đã tăng cao trở lại và đạt 8,12%. Tiếp đến năm 2023, GDP đã tăng 5,05%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020, 2021; nhưng thấp hơn các năm còn lại trong giai đoạn 2011-2023. Tuy không đạt mục tiêu đề ra là 6,5% nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, nhìn từ góc độ sử dụng, GDP bao gồm: Tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 62% đến 68% GDP. Riêng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng 64,2% GDP, trong đó tiêu dùng của khu vực Chính phủ chiếm tỷ trọng 9%; tiêu dùng cuối cùng của khu vực hộ gia đình chiếm tỷ trọng 55,2% GDP.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, do tốc độ già hóa dân số nhanh nên với cấu trúc thu nhập và tiêu dùng như năm 2022, tỷ số hỗ trợ kinh tế của Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2023 và dự báo đến năm 2069 liên tục giảm. Điều này có nghĩa là những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc. Tuy nhiên, Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai - các chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị.

Nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này nếu được duy trì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, bên cạnh việc phân tích chu kỳ kinh tế, Việt Nam cần hoàn thiện nguồn số liệu kinh tế vĩ mô để phục vụ tính toán tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Điều này sẽ giúp cung cấp các bằng chứng xác thực và đầy đủ hơn phục vụ việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ổn định và bền vững./.

Cùng chuyên mục
Biến đổi dân số tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế