Ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 vào kiểm toán doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) – Sáng 30/8, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 phục vụ kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của KTNN.

sep-tien.jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng - góp ý cho Ban Đề tài. Ảnh: Thùy Anh

Đề tài do ThS. Vũ Kim Tuyến và ThS. Phạm Thị Dương Liễu - KTNN chuyên ngành VI đồng chủ nhiệm.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, cách mạng 4.0 (CM 4.0) tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

CM 4.0 với 4 thành tựu chính như Big Data, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây đã làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, việc tạo lập và lưu trữ thông tin…. của các doanh nghiệp (DN) nói chung và DNNN nói riêng.

Vì vậy, công tác kiểm toán sẽ phải thay đổi cho phù hợp và có thể ứng dụng các thành tựu của CM 4.0 vào các giai đoạn của cuộc kiểm toán, đặc biệt là giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán và giai đoạn thực hiện kiểm toán.

Những năm qua, các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán của KTNN được ưu tiên phát triển, trong đó có phần mềm liên quan đến hoạt động kiểm toán DNNN.

Hiện tại, KTNN đã áp dụng các phần mềm hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán như: Phần mềm cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, hệ thống nhật ký kiểm toán trực tuyến.

Cùng với đó là các phần mềm quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; phần mềm hỗ trợ lập báo cáo kiểm toán (lĩnh vực DN); phần mềm số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử; phần mềm hỗ trợ kiểm toán lĩnh vực DN…

Các phần mềm nói trên bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ công tác kiểm toán và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kiểm toán.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp hoạt động phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán; lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đoàn, tổ kiểm toán trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

ban-de-tai.jpg
ThS. Vũ Kim Tuyến  - KTNN chuyên ngành VI - trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Diệu Thúy

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các thành tựu của CM 4.0 phục vụ kiểm toán các DNNN của KTNN còn gặp vướng mắc như chưa có quy định cụ thể để triển khai Luật KTNN sửa đổi, bổ sung về quyền hạn của KTNN trong việc được truy cập sở sở dữ liệu của đơn vị được kiểm toán để khai thác thông tin.

Các cơ quan có liên quan chưa hướng dẫn cụ thể việc thi hành nghị định về an ninh mạng; quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Hạ tầng công nghệ kỹ thuật số chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc kiểm toán trong môi trường số.

Các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động kiểm toán DNNN còn hạn chế, thiếu sự đồng bộ…

Từ đó, Ban Đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp để tăng cường việc ứng dụng các thành tựu của CM 4.0 vào kiểm toán DNNN của KTNN. Đó là các nhóm giải pháp về: Điều kiện pháp lý; việc thu thập thông tin phục vụ công tác kiểm toán; nguồn nhân lực và kỹ thuật công nghệ...

tc.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Diệu Thúy

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng thống nhất đánh giá: Đề tài đã có đóng góp nhất định trong việc làm rõ những vấn đề lý luận về CM 4.0, đánh giá việc ứng dụng thành tựu của CM 4.0 của KTNN… đặc biệt đề xuất một số nhóm giải pháp.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, có tính ứng dụng cao hơn, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm tập trung đánh giá việc ứng dụng 4 thành tựu nói trên của CM 4.0 vào hoạt động kiểm toán DNNN.

Đồng thời, Ban Đề tài nên tập trung vào 5 nhóm giải pháp như vấn đề tổ chức, pháp lý, cách thức, nhân sự và điều kiện khác.

Ban Đề tài cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề tài.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 vào kiểm toán doanh nghiệp nhà nước