Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp: Hướng theo xu thế, nhưng còn nhiều rào cản

Tại hội thảo “ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng suất nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), phối hợp cùng Tổng hội NN-PTNT Việt Nam tổ chức sáng 23/3, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để đưa công nghệ, đặc biệt là AI trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngành nông nghiệp, nông dân vẫn còn là chặng đường dài với nhiều thách thức đặt ra.

dsc_4016.jpg
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà ứng dụng mang lại so với nông nghiệp truyền thống.

Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam cho rằng: Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng AI dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy móc này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp. AI giúp tăng năng suất cây trồng, kiểm soát dịch bệnh và các điều kiện trong trồng trọt, tổ chức dữ liệu, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các công việc trong sản xuất nông nghiệp mà cách làm truyền thống không làm được hoặc làm kém hiệu quả. 

dsc_4032.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.LỘC

“Việc thúc đẩy và phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng là xu thế thời đại và ngành nông nghiệp Việt đang chuyển hướng theo” - ông Hùng cho biết.

Theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, AI sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tới môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân.

Các ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng đã và đang là xu hướng tất yếu để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam. “Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất có thể phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ, giúp việc quản lý và sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên, quản lý sản lượng, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa... trở nên hiệu quả và bền vững hơn” – ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết.

Còn nhiều trở ngại cần khắc phục

Thực tế, thời gian qua, một số đơn vị trong nước đã áp dụng AI khá hiệu quả trong việc dự báo thời tiết, phân tích dữ liệu thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, theo dõi sức khỏe, phát hiện dịch bệnh cây trồng... Song song với việc sử dụng rô bốt tự động có thể gieo hạt, trồng cây, thu hoạch, phun thuốc trừ sâu, phân bón, tưới cây, giám sát và dự báo sản lượng cây trồng và quản lý đàn gia súc.

dsc_4029.jpg
Ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Ảnh: N.LỘC

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trở ngại lớn nhất trong việc sử dụng AI là giá cả của các sản phẩm công nghệ, nhất là công nghệ có sử dụng AI trong nông nghiệp đang ở mức cao. Đơn cử, để nghiên cứu và chế tạo ra một rô bốt nông nghiệp sẽ rất phức tạp và đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự hiểu rõ mô hình sản phẩm trong nông nghiệp để thiết kế cho phù hợp, khác với các lĩnh vực công nghiệp khác. “Tất cả những yếu tố này đã đẩy giá thành của công nghệ lên rất cao” - chuyên gia nhấn mạnh; đồng thời lưu ý đến khó khăn làm chủ công nghệ của người nông dân, vốn đã quen với cách làm truyền thống và chưa qua đào tạo về công nghệ, kỹ thuật. 

“Nếu được sử dụng đúng cách và tính toán kỹ lưỡng, các doanh nghiệp có thể thu được lợi ích lớn; người nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quá trình chuyển đổi này” - TS. Trần Qúy cho biết; đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh ngành nông đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thay đổi khí hậu, giá cả nguyên liệu tăng cao và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu..., người nông dân cũng cần được tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng công nghệ này.

Từ những thách thức được chỉ ra, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung thảo luận và hướng đến các giải pháp phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy các nguồn lực trong bối cảnh công nghệ hiện đại. Trong đó, các doanh nghiệp, người nông dân cần nâng cao nhận thức để chủ động hơn nữa trong việc chuyển đổi sang hướng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với công nghệ số; tập trung vào việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh, chế biến sâu nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, điện toán đám mây, từ trường, AI trong nghiên cứu quản lý, bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi…

Ở cấp Trung ương, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; thực hiện quy hoạch vùng để phù hợp với loại cây trồng và điều kiện tự nhiên. Đặc biệt, cần có thêm nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nông dân tiếp cận công nghệ cao, để có thể ứng dụng vào hoạt động sản xuất; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật công nghệ từ nước ngoài… 

“Điều quan trọng nữa là cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, Chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu thị trường” - ông Toản nhấn mạnh.

AI có tiềm năng tối ưu hóa ngành nông nghiệp bằng cách cho phép áp dụng nông nghiệp chính xác và tự động hóa một số chức năng, từ đó giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian để thực hiện các công việc quan trọng khác, chẳng hạn như sử dụng máy kéo, máy cày không người lái, máy bay không người lái, người máy... vào trong sản xuất. AI không phải là sự thay thế cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, mà là một công cụ hỗ trợ, giúp người nông dân giảm bớt gánh nặng trong những công việc cụ thể, để họ tập trung vào phần công việc quan trọng hơn.

- TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - 

Cùng chuyên mục
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp: Hướng theo xu thế, nhưng còn nhiều rào cản