Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu
Tại Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu càng trở nên rõ nét với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua như hạn hán, bão lũ và các đợt nắng nóng bất thường ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24 cm hoặc 28 cm. Đến năm 2100, con số còn lên tới 56 cm hoặc 77 cm.
Mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình của toàn cầu với lượng nước dâng cao nhất tại khu vực các tỉnh phía nam.
Nếu mực nước biển dâng cao 100 cm thì nhiều vùng sẽ bị ngập như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TP.Hồ Chí Minh; 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Chỉ số rủi ro Khí hậu toàn cầu (GCRI) 2021, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 2000-2019.
Chỉ số GCRI dựa trên tỉ lệ tử vong và thiệt hại tài chính do hậu quả của các biến cố cực đoan liên quan đến thời tiết trong khoảng thời gian 20 năm bao gồm các thảm họa ở Đồng bằng sông Cửu Long (lũ sông và hạn hán); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (hạn hán); miền Trung (bão với lượng mưa lớn và lũ lụt) và vùng núi phía Bắc (lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn).
Tuy nhiên, chỉ số này không tính tới các hậu quả do nước biển dâng gây ra. Trong khi châu Á sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 70% tổng số người bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng với 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cần chuyển đổi sang phát triển nhiên liệu sạch
Một kết quả nghiên cứu khác cũng đưa ra dự báo, tới năm 2100, khoảng 26% dân số Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước biển dâng ngay cả khi thế giới đã cam kết và thực hiện các biện pháp hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, thậm chí con số có thể đạt tới 1/3 dân số bị ảnh hưởng nếu như tình trạng băng tan diễn ra nhanh chóng.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, tiến trình đô thị hoá và công nghiệp hoá trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam giúp nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,7% /năm (WB, 2022), trong đó năng lượng hoá thạch như dầu thô, than, khí tự nhiên và thuỷ điện đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế.
Dữ liệu của nhóm nghiên cứu Đại học Oxford (2020) cho kết quả: sự tăng trưởng dựa nhiều vào nguồn năng lượng than và dầu này đã tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính.
Nếu như năm 1990, tổng lượng phát thải của than và dầu chiếm 95%, đạt 20 triệu tấn CO2tđ tổng lượng phát thải của các loại nhiên liệu, thì đến năm 2020, mặc dù chỉ còn chiếm 73% tổng lượng phát thải của các loại nhiên liệu, nhưng lượng phát thải của than và dầu đã tăng gấp hơn 9 lần, lên mức 185 triệu tấn CO2tđ.
Phát thải khí nhà kính đã tăng nhanh trong những thập kỷ trước và được dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong khi ngành năng lượng của đất nước sẽ vẫn phụ thuộc vào các công nghệ phát thải cao.
Dữ liệu của Viện Tài nguyên Thế giới năm 2020 cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính tại khu vực với tốc độ tăng phát thải trung bình hàng năm so với năm trước đó là 24,64% trong giai đoạn từ 1990 tới 2019. Đây là con số rất cao so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia 4,77%, Thái Lan 3,37% hay Trung Quốc 5,13%.
Năm 2019, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam là 438,11 triệu tấn CO2tđ, chiếm 0,88% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thế giới. Trong cùng giai đoạn, tổng lượng khí nhà kính bình quân đầu người tăng gấp 151 lần từ 0,03 tấn CO2tđ lên 4,54 tấn CO2tđ.
Cũng theo bộ dữ liệu trên, trong năm 2019, ngành năng lượng chiếm tới 68% lượng khí nhà kính của đất nước. Nông nghiệp đứng thứ hai với 16%, theo sau đó là giao thông, công nghiệp và chất thải. Lượng phát thải CO2 từ việc ngành năng lượng đang tăng nhanh hơn do nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một gia tăng của nền kinh tế.
Chính vì lý do đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, việc thay đổi cơ cấu nhiên liệu sạch hơn trong sản xuất điện sẽ là một hướng đi bền vững hơn cho Việt Nam, giúp thực hiện cam kết giảm thải khí nhà kính một cách hiệu quả nhất.
Những thiệt hại kinh tế được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh, đòi hỏi Việt Nam phải có những đối phó với các rủi ro từ biến đổi khí hậu. Bởi biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành kinh tế chiến lược như thuỷ sản hay nông nghiệp, nó còn làm chậm quá trình gia tăng năng suất, gia tăng chi phí làm mát do nhiệt độ nóng hơn và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người.