Việc điều chỉnh giá điện sẽ cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống và điều hành kinh tế vĩ mô

(BKTO) - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023, khi trả lời câu hỏi của nhà báo về tiến độ đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện hiện nay.

00.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Mức và thời điểm điều chỉnh giá điện sẽ được quyết định trong khung giá mức bán lẻ điện

Về việc điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ: Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.

Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Về xử lý khoản lỗ của EVN, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của EVN, tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11.jpg
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (người đứng) cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ảnh: HỒNG NHUNG

Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 dự kiến tăng khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu của Việt Nam năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023.

Nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do: Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới; những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao; lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hóa của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

“Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới” - Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cũng có nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021.

“Như vậy, với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa so với năm 2022” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay./.

Cùng chuyên mục
  • Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 30/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
  • Ngành dầu khí vững niềm tin vào tương lai phát triển bền vững
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Một năm thắng lợi, nối tiếp đà tăng trưởng và thiết lập những kỷ lục mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được thể hiện rõ qua kết quả tất cả các chỉ tiêu tài chính và nhiều chỉ tiêu sản xuất đã về đích từ rất sớm. Triển vọng năm 2023 tuy được dự báo có nhiều khó khăn, song với những động lực mới từ cơ chế, chính sách, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Tập đoàn, ngành dầu khí thêm vững niềm tin vào tương lai phát triển bền vững.
  • Trái phiếu doanh nghiệp:  Xu hướng tái cấu trúc nguồn vốn
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Bước sang năm 2023, bên cạnh những chính sách tháo gỡ của Chính phủ, tái cấu trúc nguồn vốn có lẽ là xu hướng huy động chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN). DN phát hành cần nâng tầm, nâng cao chất lượng, uy tín, quản trị tốt hơn, minh bạch hơn.
  • Thị trường chứng khoán năm 2023: Thích hợp cho đầu tư dài hạn
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Rủi ro từ thị trường trái phiếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài lộ trình tăng lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết không tích cực… là một trong các rủi ro đáng chú ý mà thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ phải đối mặt trong năm 2023. Tuy vậy, dòng tiền ổn định hơn, mặt bằng lãi suất có thể giảm và mức định giá thấp được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam khởi sắc hơn trong năm 2023.
  • Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 9/01, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBCKNN đối với bà Vũ Thị Chân Phương.
Việc điều chỉnh giá điện sẽ cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống và điều hành kinh tế vĩ mô