Việt Nam luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư

(BKTO) - Tinh thần hành động, kiến tạo; quyết tâm đổi mới, thúc đẩy hợp tác và sẵn sàng rộng cửa chào đón các nhà đầu tư của Chính phủ một lần nữa được thể hiện rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS), diễn ra vào ngày 07/11, tại TP. Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên VBS được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức và cũng là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (từ ngày 06 - 11/11).



Miền “đất lành”cho các nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Dẫn các con số của các tổ chức quốc tế uy tín, Thủ tướng cho biết, theo Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Singapore, khoảng 60% DN được khảo sát coi Việt Nam là một trong những điểm đến uy tín, hấp dẫn các nhà đầu tư. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố, Việt Nam xếp hạng 68/190 quốc gia về môi trường kinh doanh năm 2018, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5)…

Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu thông qua việc ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính, giảm lãi suất để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng… Đặc biệt, Việt Nam là đất nước thanh bình với tình hình chính trị - xã hội luôn ổn định. Đây là những yếu tố thuận lợi, tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam ngày 07/11. Ảnh: TTXVN

Dải “đất lành” Việt Nam còn được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, với ưu thế là nơi giao thoa của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào…

Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo các Phòng Thương mại và tập đoàn quốc tế cũng đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Với lợi thế về thể chế, thị trường, chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Những nhận định tích cực trên phần nào được minh chứng qua các con số. Đó là, đến nay, Việt Nam đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của các nền kinh tế APEC đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Biến tầm nhìn chiến lược thành hiện thực

Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài cuộn chảy vào Việt Nam thời gian qua đã tạo động lực và niềm tin về một quốc gia với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn trong tương lai. Thêm những cơ sở để nhân lên niềm tin ấy khi mà tại VBS lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Trong tầm nhìn thập niên tới, Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên sáng tạo”. Còn theo dự báo của Tổng Giám đốc PricewaterhouseCoopers Đinh Thị Quỳnh Vân, giai đoạn 2016-2050, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có tăng trưởng lớn và đến năm 2050, Việt Nam có thể lọt vào danh sách 20 nền kinh tế đứng đầu trên thế giới và 10 nền kinh tế đứng đầu châu Á.

Vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam sẽ làm gì để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trên và để dải đất hình chữ S tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư? Đây cũng là câu hỏi mà đại diện các tập đoàn, các DN trong nước và quốc tế gửi đến Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ của VBS.

Định hướng phát triển đối với Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là lời giải cho câu hỏi trên. Theo đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và DN kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững.

Việt Nam cũng sẽ chú trọng phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ và các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Cải cách thuế cũng sẽ được thực hiện theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến tính minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở những định hướng, cam kết, với tinh thần hành động quyết liệt, bên lề VBS, người đứng đầu Chính phủ đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các tổ chức, tập đoàn, DN hàng đầu quốc tế. Điều này thể hiện rõ thịnh tình mời gọi, rộng cửa chào đón các nhà đầu tư đến với Việt Nam, để Việt Nam cùng với các nền kinh tế thành viên APEC đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

NGỌC MAI
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Cùng chuyên mục
Việt Nam luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư