Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Đỗ Hữu Huy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Vinafood 1 mới đây.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Xuân Quế - Tổng Giám đốc Vinafood 1 cho biết, Tổng công ty tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 với nhiều biến động lớn về giá gạo xuất khẩu.
Trong vòng 2 tuần sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, giá lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng vọt lên 2.000-3.000 đồng/kg khiến thị trường nhiều thời điểm hỗn loạn về giá, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị kinh doanh lương thực khi các hợp đồng mua gạo đã ký không lấy được hàng do bên bán từ chối giao hàng.
Trong bối cảnh đó, Vinafood 1 đã từng bước xử lý khó khăn; tận dụng cơ hội mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng sắn, bột mỳ... tiếp tục tăng trưởng về số lượng và mở rộng nhiều địa bàn. Nhờ đó, Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu năm 2023.
Cụ thể, sản lượng lương thực mua vào toàn Tổng công ty ước đạt 1.752.589 tấn, bằng 114,8% kế hoạch năm; trong đó, lượng lương thực Công ty mẹ mua vào là 1.009.364 tấn, đạt 110,2% kế hoạch năm.
Sản lượng lương thực bán ra toàn Tổng công ty ước đạt 1.736.092 tấn, bằng 117,4% kế hoạch năm; riêng lượng lương thực Công ty mẹ bán ra là 959.825 tấn, đạt 111,5% kế hoạch năm.
Khối lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 962,6 nghìn tấn, bằng 144,4% kế hoạch năm; trong đó, lượng gạo xuất khẩu của Công ty mẹ đạt 662,4 nghìn tấn, bằng 115,9% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 523,3 triệu USD, bằng 176,4% kế hoạch; riêng kim ngạch xuất khẩu của Công ty mẹ ước đạt 360 triệu USD, bằng 141,6% kế hoạch.
Tổng doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 22.003 tỷ đồng, bằng 141,5% kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt 12.050 tỷ đồng, bằng 138,5% so với kế hoạch năm.
Lợi nhuận toàn Tổng công ty ước đạt 289 tỷ đồng, bằng 102,1% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ là 273 tỷ đồng bằng 101,4% kế hoạch.
Về hoạt động thu mua và xuất khẩu gạo, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, Vinafood 1 đã triển khai thu mua lúa gạo cho nông dân, đặc biệt tập trung vào vụ Đông Xuân, Hè Thu để đáp ứng nguồn hàng cho các hợp đồng xuất khẩu gạo, phục vụ tạm trữ, đấu thầu Dự trữ quốc gia, tiêu dùng nội địa và chào hàng tận dụng cơ hội xuất khẩu trong năm 2023.
Từ quý II/2023 đến nay, do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu dẫn đến việc triển khai thu mua gạo trong thời gian qua không dễ dàng. Sản lượng xuất khẩu tăng cao đồng nghĩa với nguồn cung trong nước ít dần, việc thu mua gạo trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thời điểm giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá xuất khẩu dẫn đến rủi ro về hiệu quả cho doanh nghiệp.
Tổng công ty đã nỗ lực làm việc với các đối tác, nhà cung cấp lâu năm, tận dụng thời điểm giá chững để tiếp tục mua thêm gạo phục vụ lượng giao các hợp đồng đã ký và nắm bắt thời cơ xuất khẩu mới. Mặt khác, Vinafood 1 thường xuyên duy trì lượng gạo dự trữ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, can thiệp thị trường kịp thời khi tình huống bất thường xảy ra...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực mà Vinafood 1 đạt được, giữ vị trí là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lương thực lớn nhất cả nước trong bối cảnh nông nghiệp đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy đề nghị Vinafood 1 tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc với Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết; khẩn trương triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty đã được phê duyệt.
Để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, Vinafood 1 cần xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công rõ ràng gắn trách nhiệm với kết quả đánh giá cán bộ - Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy yêu cầu.
Bên cạnh đó, Vinafood 1 cần làm tốt công tác dự báo, đánh giá thị trường quốc tế và trong nước để chủ động có phương án kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro; thực hiện chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm và ngành nghề của Tổng công ty; áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp tiên tiến, thực hiện đổi mới quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD.
Đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên và toàn diện việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản, mua bán hàng hóa, khai thác, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất tại các đơn vị thành viên, đảm bảo đúng quy định và nâng cao hiệu quả vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp.