Trong năm qua, VKSND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội; Chỉ thị công tác năm 2022 và các Chỉ thị về công tác nghiệp vụ của Viện trưởng VKSND tối cao; tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, phát huy vai trò của lãnh đạo Viện nghiệp vụ trong việc đôn đốc, đảm bảo chất lượng nghiên cứu hồ sơ của các công chức đơn vị mình, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các cán bộ, kiểm sát viên, nhất là các kiểm sát viên cao cấp và lãnh đạo quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý án, quản lý đơn qua phần mềm phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. Thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong quản lý tài chính; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình, quy định để quản lý tốt các hoạt động của cơ quan, đề ra nhiều biện pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; trong kỳ không có vụ án nào Tòa án tuyên không tội hoặc bị Toà án nhân dân (TAND) tối cao hủy án do bỏ lọt tội phạm. Tập trung giải quyết tốt các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; những vụ án trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Phối hợp với TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức 46 phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính bằng hình thức trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng Tòa án cấp cao tại Hà Nội trong việc xét xử, hạn chế việc hoãn xét xử không có căn cứ. Lãnh đạo đơn vị đã có nhiều giải pháp để chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu hồ sơ, việc tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm các loại án của VKSND cấp cao tại Hà Nội được Tòa án chấp nhận, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt theo yêu cầu của Ngành, Quốc hội giao; các chỉ tiêu kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm đều vượt so với Kế hoạch công tác năm 2022, chưa có trường hợp nào bị xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó công tác kiểm tra, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị, đề nghị của VKSND cấp dưới đã được thực hiện tốt và có hiệu quả. Thông qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiểm sát bản án, quyết định kiểm tra địa phương, 100% công chức, kiểm sát viên của đơn vị đã mở sổ tổng hợp vi phạm của các cơ quan tư pháp, các Viện nghiệp vụ đã tổng hợp các dạng vi phạm năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 theo từng lĩnh vực, qua đó để cán bộ, kiểm sát viên tham khảo, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng của công tác phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị, kháng nghị, thông báo rút kinh nghiệm. VKSND cấp cao tại Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót và ban hành được 35 kháng nghị phúc thẩm; 88 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 88 thông báo rút kinh nghiệm 152 kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà VKSND cấp cao tại Hà Nội đạt được; năm 2022, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ án lớn, trong đó có nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, qua đó đã thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, làm tăng thêm uy tín, hình ảnh của Ngành.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu về nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023, VKSND cấp cao tại Hà Nội cần chú trọng thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, để không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục xác định công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án, Cơ quan điều tra, các vụ nghiệp vụ và các cơ quan hữu quan để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác.
Tiếp tục đề cao vai trò của người đứng đầu, có phẩm chất đạo đức, năng lực, bản lĩnh, nhất là người đứng đầu các đơn vị; nâng cao chất lượng, bản lĩnh cán bộ, kiểm sát viên thông qua các hình thức đào tạo, tự đào tạo với phương châm “Liêm chính, vượt khó, bản lĩnh, chuyên nghiệp”; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ đối với VKSND cấp dưới. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý án, quản lý đơn, quản lý văn bản để phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành./.