Vượt thách thức, đảm bảo an sinh xã hội

(BKTO) - Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); hoàn thành tốt trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.

15..jpg
BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý, đổi mới tác phong làm việc, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia. Ảnh: ST

“Lưới” an sinh tiếp tục được mở rộng

Nhìn lại năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu, chi phí kho bãi, vận chuyển tăng cao... dẫn đến nhiều DN buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động nhằm cắt giảm chi phí; nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Cùng với đó, do người lao động gặp khó khăn về thu nhập, đời sống nên nhiều trường hợp đã rút BHXH một lần khiến tình trạng thanh toán BHXH một lần gia tăng. Ước năm 2023, có 1.110.422 người hưởng BHXH một lần tăng 23,73% so với năm 2022.

Bối cảnh trên đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với công tác triển khai tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, với quan điểm, càng trong khó khăn, các chính sách an sinh xã hội càng phát huy vai trò to lớn, là chỗ dựa cho người tham gia, ngành BHXH Việt Nam xác định, công tác thu, phát triển người tham gia luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm mở rộng độ bao phủ, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. “Hoàn thành chỉ tiêu độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT; giảm số tiền chậm đóng vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam với nước, với dân” - đã trở thành phương châm hành động của toàn Ngành.

Bằng sự chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để phát triển, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN, kết thúc năm 2023, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục duy trì và tăng trưởng. Cụ thể, hết năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,259 triệu người, (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), trong đó khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW). Tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ). Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững hằng năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,307 triệu người tham gia.

“Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong điều kiện khó khăn, một lần nữa khẳng định sự kiên định, quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành BHXH Việt Nam khi vừa giữ vững kết quả đã đạt được, vừa thực hiện có hiệu quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Đồng hành gỡ khó, đảm bảo quyền lợi của người tham gia

Với độ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng mở rộng, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đổi mới tác phong làm việc theo hướng phục vụ; đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia. Qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là với người lao động bị mất việc làm, thu nhập; cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động khám, chữa bệnh (KCB), đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đơn cử, để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tham gia BHYT, trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144/NQ-CP. Với việc ban hành Nghị quyết số 30 đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trong thanh toán chi phí KCB BHYT.

BHXH Việt Nam cũng kịp thời tham mưu, phối hợp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, Nghị định số 75 đã góp phần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; quy phạm hoá quy định lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT, hướng tới sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT hiệu quả, giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT.

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, năm 2023, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như: Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC phải kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân… tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí giao dịch cho các cá nhân, tổ chức.

Những kết quả tích cực trên đã góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động, doanh nghiệp đối với các chính sách an sinh xã hội. Đây cũng là nền tảng quan trọng để ngành BHXH tiếp tục nỗ lực, ghi dấu ấn mới trong hành trình xây dựng trụ cột an sinh bền vững./.

Cùng chuyên mục
Vượt thách thức, đảm bảo an sinh xã hội