Xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất là động lực nâng cao chất lượng giáo dục

(BKTO) - Ngày 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.

26.10-1(2).jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bộ GDĐT

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các ban, Bộ, ngành Trung ương.

Về phía Bộ GDĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và lãnh đạo các đơn vị cục, vụ thuộc Bộ.

Điểm cầu 63 tỉnh/thành có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành của địa phương.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; 553.181 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, số phòng học kiên cố khoảng 364.367 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 65,9%.

Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013. Trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2% và trung học cơ sở đạt 94,9%.

Trong giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hoá ở các địa phương.

Trong đó, số tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hoá để kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm là khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm khoảng 1.300 phòng.

Tổng số kinh phí xã hội hoá để đầu tư kiên cố hoá, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hoá phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.

Hưởng ứng lời kêu của các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng khang triang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia từ nguồn xã hội hóa như: Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Hiếu Tự ở Vĩnh Long, Trường Mầm non Pác Bó ở Cao Bằng, Trường THPT Võ Văn Tần ở Long An…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Việc xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non đạt 56.9%, cấp tiểu học đạt 62,8%; cấp trung học cơ sở đạt 72,3% trường; cấp THPT đạt 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học đạt 44,2%.

“Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đó cũng chính là các điều kiện cần thiết để ngành giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

26.10-2.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ GDĐT

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương và đánh giá cao Bộ GDĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua. Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc trong tương lai của các thế hệ học sinh. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, xã hội tới đội ngũ giáo viên - những người đang trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GDĐT cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.

Nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; giáo dục và đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ./.

Cùng chuyên mục
  • Tăng cường năng lực triển khai Công ước khung về kiểm soát thuốc lá
    26 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ngành công nghiệp thuốc lá luôn tìm cách can thiệp vào chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam qua việc gửi thư, tiếp xúc, tổ chức hội thảo với sự tham gia của một số y bác sĩ… Hành động này là vi phạm Điều 5.3 Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam đã tham gia.
  • Phát triển nông nghiệp xanh, thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp
    26 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, sự phát triển của ngành nông nghiệp còn góp phần quan trọng sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trước thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra cấp bách thì việc phát triển xanh, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu giúp Việt Nam ứng phó với các thách thức.
  • Báo chí - doanh nghiệp chung sức xây dựng mối quan hệ lành mạnh, trách nhiệm và bền vững
    27 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp (DN) luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Vì vậy, hai bên cần chung sức để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước.
  • Bảo đảm biên chế, bộ máy để công đoàn hoạt động hiệu quả
    27 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - So với các tổ chức chính trị xã hội khác, biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chỉ bằng 1/3. Từ thực tế này, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của tổ chức công đoàn.
  • Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử có thể cao gấp nhiều lần so với thuốc lá truyền thống
    27 ngày trước Xã hội
    Những lo ngại về sức khỏe do sử dụng thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng được TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ mới đây tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.
Xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất là động lực nâng cao chất lượng giáo dục