Sử dụng vốn đúng mục đích…
Kết quả kiểm toán đánh giá, về cơ cấu nguồn vốn đầu tư của Dự án đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 47/BKHĐT-GCNĐTTN ngày 24/10/2012 thì cơ cấu vốn (bao gồm cả phần BOT và BT) là: vốn chủ sở hữu 2.111 tỷ đồng, chiếm 13,53%; vốn vay 12.953 tỷ đồng, chiếm 83,02% và vốn NSNN 530 tỷ đồng, chiếm 3,45%.
Tại Văn bản số 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng vốn NSNN bố trí trong kế hoạch hằng năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để thanh toán cho nhà đầu tư phần kinh phí thực hiện hợp phần BT và công tác đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án và đồng ý cơ chế bảo lãnh vay vốn thực hiện Dự án. Tại Hợp đồng số 26/HĐXD- DEOCA ngày 8/11/2012 giữa Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và Bộ GTVT (Hợp đồng số 26), phần vốn chủ sở hữu BOT là 20% tổng vốn đầu tư, phần BT không bố trí vốn sở hữu của nhà đầu tư. Mặc dù vậy, cơ cấu này không làm thay đổi trách nhiệm và nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư so với quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo mức góp vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 108/2009.
Theo đó, cơ cấu vốn đầu tư dự án BT tại Hợp đồng số 26 như sau: Vốn đầu tư BT được thực hiện bằng vốn vay. Vốn NSNN được dùng cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong trường hợp kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư được nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn khác, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn theo kế hoạch để hoàn trả trong năm 2013. Trường hợp NSNN chưa bố trí được thì nhà đầu tư được phép huy động vốn để chi trả và được tính thêm lãi suất và phí huy động vốn. Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn khác để thực hiện Dự án.
Kết quả kiểm toán cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án, nhà đầu tư đã huy động các nguồn vốn để thực hiện Dự án theo quy định. Nhà đầu tư đã ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Hà Nội để vay vốn thực hiện các gói thầu thuộc phần BT và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án. Việc giải ngân vốn phù hợp với quy định của hợp đồng tín dụng. Nhà đầu tư ứng trước vốn để thanh toán gốc và lãi vay đối với những khoản vay đến hạn trả và ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án. Các nguồn vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích. Nhà đầu tư đã thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu vốn vay, vốn đã ứng với các đơn vị liên quan.
…nhưng chưa hiệu quả
Mặc dù cơ cấu vốn đảm bảo quy định và được sử dụng đúng mục đích nhưng kết quả kiểm toán lại chỉ ra rằng nguồn vốn Dự án chưa được sử dụng hiệu quả do nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện. Minh chứng cho đánh giá này, Báo cáo kiểm toán nêu rõ, trong quá trình triển khai Dự án do chưa kịp thời thu hồi số tiền tạm ứng để thi công gói thầu số 12 dẫn đến làm tăng chi phí lãi vay 2,1 tỷ đồng.
Cụ thể, giá trị của hợp đồng ký giữa Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Minh Phát - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch là 72,2 tỷ đồng, bên A đã tạm ứng cho bên B 45% giá trị hợp đồng, tương ứng với 33,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, gói thầu đã được điều chỉnh quy mô, phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và dự toán giảm xuống còn gần 24 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2016) gói thầu đã thi công xong, được bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng hai bên chưa ký phụ lục hợp đồng và thu hồi tạm ứng.
Bên cạnh đó, khi nhận được số tiền tạm ứng nhà thầu hoàn trả do không thực hiện gói thầu số 30 nhưng đơn vị chưa giảm trừ chi phí lãi vay đối với phần hoàn trả này nên đã làm tăng chi phí lãi vay hơn 2,7 tỷ đồng. KTNN cho rằng, trách nhiệm để xảy ra những sai sót trên thuộc về Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.
Đặc biệt, kết quả kiểm toán nhấn mạnh, việc bố trí kế hoạch vốn và giải ngân vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho Dự án còn chậm là nguyên nhân khiến nguồn vốn này chưa được sử dụng hiệu quả. Theo đó, Quốc hội đã phê duyệt phát hành bổ sung và phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 số tiền 5,084 nghìn tỷ đồng cho phần BT hầm Cổ Mã và kinh phí giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc giao kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 cho Dự án. Tuy nhiên, Dự án mới được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, riêng phần BT của Dự án đến tháng 01/2016 mới được Bộ GTVT thông báo kế hoạch vốn do còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của Dự án.
Cụ thể là, theo Hợp đồng số 26 thì phần BT được thực hiện từ vốn vay và được Bộ GTVT bố trí hoàn trả cho nhà đầu tư trong vòng 10 năm (từ năm 2017 đến hết năm 2027). Nhưng khi Dự án đã được Quốc hội phân bổ vốn TPCP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chuyển đổi hình thức đầu tư của Dự án từ hình thức BT sang đầu tư bằng nguồn vốn TPCP.
Trong thời gian từ năm 2014- 2015, Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành liên quan đã thực hiện các thủ tục để chuyển đổi hình thức đầu tư, điều chỉnh bổ sung Dự án. Tuy nhiên, đến tháng 01/2016 Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư phần BT sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia vốn đầu tư của Nhà nước và kế hoạch sử dụng vốn TPCP cho Dự án.
Cho đến tháng 10/2016, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có văn bản hướng dẫn việc giải ngân và thanh quyết toán phần vốn TPCP của Dự án. “Trách nhiệm này thuộc về Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan đã thiếu quyết liệt trong thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của Dự án, dẫn đến việc sử dụng vốn TPCP của Dự án chưa hiệu quả” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng vốn chưa hiệu quả, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của Dự án.
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017