Xây dựng hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Đây là chủ đề của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS. Trương Đức Thành - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IX, ThS. Hoàng Cẩm Tú (Vụ Tổng hợp) và ThS. Dương Thanh Hải - KTNN khu vực I đồng chủ nhiệm. Đề tài vừa được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo ngày 16/6.

1(1).jpg
ThS. Hoàng Cẩm Tú (Vụ Tổng hợp) thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia đến từ một số đơn vị trực thuộc KTNN. 

Theo ThS. Hoàng Cẩm Tú, hướng dẫn kiểm toán là một phần quan trọng, không thể thiếu của bộ khung tài liệu làm việc của kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính với mục tiêu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo và thông tin tài chính. Chính vì vậy, các công ty kiểm toán độc lập, các hãng kiểm toán lớn trên thế giới đều xây dựng các hướng dẫn để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Hỗ trợ cho hoạt động này, các hiệp hội kế toán, kiểm toán hành nghề cũng ban hành các hướng dẫn, kèm theo các chương trình kiểm toán mẫu để các thành viên nghiên cứu áp dụng như Bộ Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán Báo cáo tài chính do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam ban hành.

3(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng hướng dẫn chi tiết hoặc chương trình kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP) tại các cơ quan kiểm toán tối cao khó thực hiện vì đặc thù quản lý của các cấp ngân sách mỗi quốc gia, cũng như các yêu cầu quản lý của các nhà quản lý lĩnh vực công có đặc điểm khác biệt với lĩnh vực tư.

Trên thực tế, theo quy định của Điều 71 Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, KTNN Việt Nam phải kiểm toán BCQT NSNN và BCQT NSĐP trước khi trình Quốc hội, HĐND cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, KTNN đã ban hành nhiều quy trình, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách, như: Quy trình kiểm toán ngân sách; Đề cương kiểm toán NSĐP; Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, BCQT NSĐP.

2(1).jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Cù Hoàng Diệu đề xuất Ban Đề tài bổ sung kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán BCQT NSĐP. Ảnh: Nguyễn Ly

Song, thực tế cho thấy, các cuộc kiểm toán của KTNN đều là kiểm toán quyết toán NSĐP, trong đó lồng ghép việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của các BCQT; kiểm toán việc tuân thủ pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động.

Do đó, việc xác nhận BCQT NSĐP còn nhiều lúng túng, chưa được chú trọng, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của kiểm toán viên. KTNN chưa có công cụ thực hiện thống nhất dẫn đến chưa có biện pháp giám sát, kiểm tra và đảm bảo xác nhận từ các cấp quản lý khác nhau của KTNN đối với BCQT NSĐP.

Bên cạnh đó, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, với định hướng tiến tới kiểm toán thường xuyên, xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP, KTNN cần xây dựng hướng dẫn kiểm toán nhằm tạo ra công cụ cho kiểm toán viên thực hiện các nội dung công việc xác nhận theo trình tự các bước một cách đầy đủ và toàn diện; giúp các cấp quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát được các rủi ro kiểm toán khi xác nhận các BCQT NSĐP.

Từ kết quả nghiên cứu, Nhóm tác giả đã đánh giá thực trạng kiểm toán BCQT NSĐP thời gian qua; chỉ ra một số hạn chế và đưa ra được định hướng, nguyên tắc, giải pháp, điều kiện áp dụng Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP.

4(1).jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Trương Hải Yến đề nghị Ban đề tài làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế trong công tác kiểm toán BCQT NSĐP. Ảnh: Nguyễn Ly

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu và những đề xuất giải pháp của Ban Đề tài, các chuyên gia cho rằng, Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Để Đề tài có chất lượng cao hơn, các chuyên gia nhấn mạnh: Mục tiêu của cuộc kiểm tra BCQT NSĐP là phải đáp ứng được yêu cầu của quyết toán ngân sách được quy định cụ thể tại Điều 65 Luật NSNN. Riêng về số liệu quyết toán, cuộc kiểm toán BCQT NSĐP phải xác nhận “tính chính xác, trung thực, đầy đủ” của số liệu quyết toán NSNN theo quy định tại Điều 65 Luật NSNN. Ban Đề tài cần đặc biệt lưu ý và bổ sung nội dung này ở Chương II.

Bên cạnh đó, các tác giả cần bổ sung nội dung về công tác kiểm toán các quỹ tài chính ngoài ngân sách của địa phương. Theo Điều 12 Nghị quyết 163/2016/NĐ-CP, hằng năm, cơ quan quản lý quỹ do địa phương quản lý báo cáo Sở Tài chính tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch tài chính năm sau và quyết toán thu, chi để tổng hợp báo cáo UBND, HĐND cấp tỉnh cùng với báo cáo dự toán và quyết toán NSĐP. Như vậy, KTNN cần kiểm toán nội dung này cùng với kiểm toán BCQT NSĐP.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến nghị Ban Đề tài phân tích sâu, làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế trong công tác kiểm toán BCQT NSĐP, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp phù hợp với thực tiễn; bổ sung thêm kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao khi tiến hành kiểm toán BCQT NSĐP…

Thay mặt Ban Đề tài, ThS. Hoàng Cẩm Tú tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ bổ sung, chỉnh sửa Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương