Xây dựng Hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập

(BKTO) - Đây là mục tiêu của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Tổ chức kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập” được Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) nghiệm thu ngày 22/8, tại Hà Nội.

1(1).jpg
Quang cảnh cuộc nghiệm thu. Ảnh: HỒNG NHUNG

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài do CN. Nguyễn Đức Tín - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V và ThS. Đỗ Huệ Tùng - KTNN khu vực V - đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 (Nghị quyết 19) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 (Nghị quyết 08) về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19. 

Thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 08 nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như: Kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực ở Trung ương và địa phương; hệ thống tổ chức các ĐVSNCL ở địa phương cơ bản vẫn được tổ chức theo ngành, lĩnh vực và địa giới hành chính; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế…

2.jpg
Đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bên cạnh đó, KTNN có vai trò quan trọng trong việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương về các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ĐVSNCL. Tuy nhiên, đến nay, việc kiểm toán hoạt động cơ cấu lại ĐVSNCL chưa được triển khai thành các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách của Bộ, ngành, địa phương với đầy đủ hoặc một số các hoạt động chủ yếu của việc cơ cấu lại. Các cuộc kiểm toán chuyên đề các trường đại học công lập, bệnh viện công lập trong năm 2019 chủ yếu đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2018 nên chỉ một phần mục tiêu cơ cấu lại ĐVSNCL được kiểm toán…

Do chưa kiểm toán việc cơ cấu lại nên KTNN chưa đánh giá được tình hình, tiến độ thực hiện các mục tiêu và việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ĐVSNCL trong từng giai đoạn; chưa xác định được nguyên nhân, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn để có kiến nghị đối với đơn vị, địa phương được kiểm toán nhằm hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ĐVSNCL cho các giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, thông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động về cơ cấu lại ĐVSNCL tại các Bộ, ngành, địa phương, KTNN sẽ phát huy vai trò trong thực hiện có hiệu quả, hiệu lực chủ trương của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ về cơ cấu lại ĐVSNCL. Bởi vậy, việc nghiên cứu Đề tài này có tính cấp thiết và thực tiễn.

Cũng theo Ban Đề tài, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm xây dựng Hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL và các giải pháp tổ chức thực hiện kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận, thực trạng cơ cấu lại ĐVSNCL và hoạt động kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL, Chương 2: Tổ chức kiểm toán cơ cấu lại ĐVSNCL.

3.jpg
TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - góp ý cho Đề tài.
Ảnh: HỒNG NHUNG

Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL với các mục tiêu và giải pháp thực hiện cơ cấu lại ĐVSNCL đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Đề tài đã làm rõ và hệ thống hóa những vấn đề lý luận về cơ cấu lại ĐVSNCL; phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL; thực trạng cơ cấu lại ĐVSNCL; thực trạng hoạt động kiểm toán của KTNN về việc cơ cấu lại ĐVSNCL; đề xuất được 2 nhóm giải pháp lớn về kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài cân nhắc giới hạn lại phạm vi nghiên cứu; xem xét, bổ sung nội dung cơ sở lý luận về kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL; nghiên cứu làm rõ hơn vai trò của KTNN đối với cơ cấu lại ĐVSNCL; kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL.

Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung dẫn chứng cụ thể về bất cập trong hoạt động của các ĐVSNCL và từ các kết quả kiểm toán, kiểm tra (của các cơ quan khác), các đánh giá hằng năm của các cơ quan chủ quản cấp trên; những kết quả kiểm toán của KTNN trong giai đoạn gần đây để làm nổi bật những bất cập.

Ngoài ra, Ban Đề tài xem xét nghiên cứu biên tập nội dung tại Chương 2 theo trình tự 4 bước của Luật KTNN và Quy trình kiểm toán chung gồm: Chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá: Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Ban Đề tài có nhiều nỗ lực, cố gắng trong nghiên cứu. Kết cấu Đề tài cơ bản hợp lý, giải quyết được những vấn đề khoa học đặt ra.

Để hoàn thiện Đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Hội đồng; bổ sung kiến thức về khái niệm, đặc điểm, mục tiêu, nội dung kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL; làm rõ thực trạng kiểm toán cơ cấu lại ĐVSNCL.

Cùng với đó, rà soát các tiêu chí kiểm toán, bổ sung nội dung kiểm toán việc ban hành văn bản pháp luật, rà soát các kiến nghị, cập nhật các văn bản, nghiên cứu bổ sung kinh nghiệm quốc tế cũng như bổ sung các điều kiện thực hiện giải pháp.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng Hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập