Xếp hạng 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2024

(BKTO) - Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố sáng 11/3.

Trong danh sách Top 3 doanh nghiệp dẫn đầu bảng xếp hạng, có 1 doanh nghiệp lĩnh vực nhựa và 2 doanh nghiệp lĩnh vực chứng khoán.

1.jpg
Nguồn: Vietnam Report. Tháng 3/2024

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đã bước sang năm thứ 14 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu.

Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Theo Vietnam Report, CAGR trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2019-2022 đạt 25,3%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 26,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4% và khu vực nhà nước đạt 17,7%.

2.jpg
Kết quả thống kê từ năm 2020-2024. Nguồn: Vietnam Report

Có thể thấy, năm nay, khu vực tư nhân vẫn dẫn đầu và có mức tăng (+1,1%) so với giai đoạn trước. Trong khi đó, so với giai đoạn trước, ở khu vực nhà nước và FDI, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép lại chưa có nhiều sự cải thiện.

Tuy nhiên, xét về số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng doanh nghiệp nằm trong hai khu vực này lại có sự gia tăng lần lượt (+3,6%) và (+0,4%) so với năm trước.

Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2024, Vietnam Report tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới hơn một nửa (51,7%) số doanh nghiệp cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Nhìn ra thế giới, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố liên tục nhiều tháng dưới ngưỡng 50 điểm, phác họa phần nào bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trước sự suy yếu của tổng cầu trong nước lẫn thế giới.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức âm kể từ năm 2009. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.

Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, khó khăn liên quan đến nguồn vốn khi trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, tình trạng nợ đọng, thiếu vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp khó trụ vững. Xét bình quân, trong năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường./.

Cùng chuyên mục
Xếp hạng 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2024