Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ
Số liệu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người. Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá rất cao khi sở hữu một thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng cuối cùng của xã hội so với GDP luôn đạt trên 70%/năm. Thêm vào đó, 50% dân số Việt Nam là dân số trẻ có nhu cầu mua sắm rất lớn và rất dễ thích nghi với các loại hình bán lẻ hiện đại. Hơn nữa, thị trường nông thôn còn trống vắng các loại hình bán lẻ hiện đại, ước tính kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị phần.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu thì ngày nay, người tiêu dùng có thể mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại trực tuyến, đa kênh nhờ ứng dụng thương mại điện tử.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - nhận định, thị trường bán lẻ hiện đại rất tiềm năng, tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhiều năm gần đây đều đạt mức tăng trưởng hai con số. Thị trường bán lẻ trực tuyến tuy mới chiếm 5% trong tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội, nhưng triển vọng rất sáng sủa trong những năm tới.
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong các nghiên cứu quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty Tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6, nằm trong Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.
Với sự phát triển của nền tảng và dịch vụ công nghệ, xu hướng phát triển thương mại điện tử sẽ ngày càng tăng trong ngành bán lẻ. Tiềm năng thị trường cùng với các thay đổi trong cách thức kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại đang hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư. Cùng với các nhà đầu tư trong nước, sự tham gia của nhiều “đại gia” bán lẻ nước ngoài khiến cho cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Công nghệ giúp bán lẻ hiện đại lên ngôi
Dự báo về xu hướng phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, có 4 xu hướng chính. Một là xu hướng tích tụ dưới hình thức mua bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết hình thành những tập đoàn bán lẻ mạnh. Điều này tương tự như việc một số “ông lớn” bán lẻ đã làm: Central Groups và TTC của Thái Lan đối với Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop&Go; Saigon Co.op với Auchan…
Hai là xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng thông qua việc hình thành những trung tâm mua sắm, giải trí… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ.
Ba là xu hướng xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền. Điều này giúp các tập đoàn bán lẻ quản lý được chất lượng đầu vào, giảm chi phí vận chuyển, tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh.
Bốn là xu hướng bán hàng đa kênh. Do 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo AI, Big Data… nên việc mua bán hàng qua mạng trở nên dễ dàng, phổ biến với các DN bán lẻ, cũng như người tiêu dùng.
Đồng tình với những xu hướng này, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - cho rằng, giải pháp cho các DN bán lẻ trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các thương hiệu bán lẻ quốc tế là các DN trong hệ thống cần bắt tay liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, DN cũng cần quan tâm hơn đến thái độ và ý kiến của người tiêu dùng; nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa các vùng miền để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, thương mại điện tử sẽ là chìa khóa quan trọng để DN bán lẻ tiếp cận với người tiêu dùng trong cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên, phân tích về góc độ chính sách và thực thi chính sách, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, muốn phát triển bền vững, ngành bán lẻ cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước. Cần phải kiểm soát thị trường bán lẻ và quá trình vận động hàng hóa của hệ thống phân phối một cách công khai, lành mạnh, không phiền hà, tiêu cực; giảm bớt những khâu trung gian vô lý, chi phí vô lý; xử lý những cách làm ăn chụp giật, chèn ép của những DN có thế mạnh, vi phạm pháp luật, trốn thuế, giảm giá bất thường, sản xuất và kinh doanh hàng giả. Đồng thời, cần tích cực biểu dương những chuỗi phân phối, bán lẻ làm ăn tử tế, có trách nhiệm với Nhà nước và người tiêu dùng. Những hành động thiết thực, mạnh mẽ và hiệu quả để phát triển hệ thống bán lẻ sẽ giúp cho sản xuất trong nước phát triển, cũng như tiêu dùng xã hội phát triển.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019