PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịchHội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam:
PGS,TS. Đặng Văn Thanh |
Với chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của các thông tin, số liệu tài chính và NSNN, KTNN đã góp phần đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt là minh bạch tài chính trong hoạt động của Nhà nước thông qua kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động.
Qua kiểm toán, KTNN đã cung cấp những dữ liệu vô cùng quan trọng cho Quốc hội, cho các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ hoạt động kinh tế, tài chính, ngân sách. Cao hơn nữa là những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung chính sách, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành NSNN, sử dụng có hiệu quả tài sản, ngân quỹ quốc gia.
Trong bối cảnh mới, nền kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế đang đòi hỏi những yêu cầu mới cao hơn với hoạt động của KTNN. Hoạt động tài chính nhà nước trong kinh tế thị trường cũng đa dạng hơn và phức tạp hơn. Mặt trái của kinh tế thị trường ngày càng tác động mạnh hơn vào nền tài chính quốc gia và công tác quản lý tài chính nhà nước. Kỳ vọng của cơ quan dân cử, của xã hội vào năng lực của KTNN - cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước tối cao - cũng cao hơn, không chỉ dừng lại ở mức độ tin cậy của các thông tin về tài chính nhà nước, về kỷ cương, kỷ luật trong quản lý và sử dụng NSNN, mà quan trọng hơn là hiệu quả, tính kinh tế của hoạt động tài chính nhà nước, của ngân quỹ và NSNN. Do đó, bằng mọi biện pháp, KTNN cần giữ lòng tin của nhân dân và đáp ứng cao nhất kỳ vọng của nhân dân về năng lực, phẩm chất của cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước.
Chúc KTNN thành công và ngày càng phát triển, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân, đất nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy:
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy |
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn KTNN tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng, nhất là nguồn nhân lực để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần giúp các địa phương nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công, tài chính công, góp phần đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Chúng tôi tin tưởng với phương châm “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, KTNN sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công uy tín, trách nhiệm, góp phần cùng các địa phương xây dựng nền tài chính công, tài sản công lành mạnh, bền vững.
PGS,TS. Trần Huy Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán và Kiểm toán (Đại học Kinh tế Quốc dân):
PGS,TS. Trần Huy Ánh |
Trong hành trình ấy, dấu mốc KTNN được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 vừa là sự kiện đáng mừng với ngành KTNN, đồng thời là niềm vui chung của đất nước, khi một cơ quan độc lập trong kiểm tra tài chính, tài sản công quốc gia được ghi nhận địa vị pháp lý trong đạo luật cao nhất của Nhà nước. Đây đồng thời là sự ghi nhận những nỗ lực và kết quả to lớn mà KTNN đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Không chỉ đi đầu trong công tác kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch trong sử dụng tài chính công, tài sản công của quốc gia, KTNN còn cho thấy vai trò quan trọng trong việc góp phần vào sự nghiệp đào tạo, phát triển chung của ngành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Một đội ngũ nhân lực chất lượng cao của KTNN vẫn đang trực tiếp tham gia giảng dạy trong các trường đại học, học viện có chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Thông qua hoạt động giảng dạy, các chuyên gia của KTNN đã truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán sâu sắc, giàu tính thực tế đến với người học. Đây cũng chính là một trong những hoạt động phối hợp đang được triển khai giữa Viện Kế toán - Kiểm toán và KTNN từ nhiều năm nay.
Chúng tôi tin rằng, với những thành quả mà KTNN đạt được trong suốt chặng đường vừa qua, KTNN sẽ tiếp tục đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trong bối cảnh đất nước đổi mới và trở thành công cụ giám sát tài chính, tài sản công đắc lực của nhân dân.
Theo Báo Kiểm toán số 27,28 ra ngày 10/7/2018