Ảnh minh họa |
Công văn nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang nỗ lực làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng, đối tác trong và nước ngoài để mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 trên nguyên tắc đa dạng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng về nguồn gốc, xuất xứ.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hoan nghênh các DN, tổ chức có đủ điều kiện, tiềm lực tham gia vào việc cung ứng, bảo quản vắc xin phòng Covid-19 để cùng nỗ lực, chung tay với Chính phủ và Bộ Y tế đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Các vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp phép sử dụng trên thế giới đến nay có điều kiện bảo quản ở nhiệt độ khác nhau (vắc xin của Pfizer từ -80oC đến -60oC, vắc xin của Moderna từ -5oC đến -15oC; vắc xin của Johnson&Johnson từ -25oC đến -15oC; vắc xin Sputnik V là ≤-18oC; vắc xin của AstraZeneca từ 2oC đến 8oC...).
Năng lực của hệ thống dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng có thể bảo đảm việc vận chuyển, bảo quản các vắc xin có điều kiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2oC đến 8oC. Tuy nhiên, năng lực để bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm sâu (chẳng hạn: từ -80 oC đến -60oC; từ -50oC đến -15oC; ≤ -18oC) còn hạn chế.
Để sớm có cơ sở đánh giá khả năng nhập khẩu, cung ứng dịch vụ bảo quản vắc xin phòng Covid-19, Cục Quản lý Dược đề nghị các DN, tổ chức có khả năng mua, nhập khẩu, bảo quản, phân phối vắc xin phòng Covid-19, với trách nhiệm phòng, chống dịch cao nhất của mình, khẩn trương cung cấp thông tin sớm nhất có thể liên quan đến một số loại vắc xin phòng Covid-19, thông tin về các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi nhập khẩu hoặc kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin trước ngày 20/5.
Đ. KHOA