Yêu cầu EVN khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

(BKTO) - Bộ Công Thương vừa có văn bản số 288 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu xây dựng cơ chế, lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, theo văn bản số 288 này, Bộ Công Thương yêu cầu EVN nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện.

Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần, thực hiện tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành, quy định tại Quyết định số 249/QĐ-BCT (ngày 8/11/2023) của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN nghiên cứu, đánh giá tác động đối với việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân cũng như tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần. Đồng thời, báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương để nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần. Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.

Theo đó, với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kWh hoặc đ/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.

Việc áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Xuất phát từ quan điểm trên, cơ chế giá điện hai thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.

evn.jpg
Bộ Công Thương yêu cầu EVN nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần. Ảnh: EVNHANOI 

Tại Việt Nam, hiện, các Tổng công ty Điện lực thuộc EVN đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày-TOU). Việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện tạo tín hiệu phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng sử dụng điện, theo đó khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng theo tháng (theo kWh) nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.

Bên cạnh đó, việc áp dụng giá điện theo hai thành phần kết hợp với quy định giá điện TOU hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Tại thời điểm hiện tại, việc áp dụng giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng vẫn tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành).

Do đang ở bước tính toán thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên cũng chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tuy nhiên đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, sẵn sàng áp dụng tại thời điểm phù hợp. Ngoài ra, kết quả tính toán cũng sẽ cung cấp thông tin đến các khách hàng để có những cân nhắc, điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, đại diện Bộ Công Thương cho biết, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.

Theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như đến chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.

Cùng chuyên mục
  • Cơ giới hóa - động lực để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp
    3 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp giúp thay thế sức người, tiết giảm chi phí đầu tư và nâng cao giá trị hàng nông sản. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa hiện nay còn thấp và không đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
  • Hải Phòng: Tăng cường các công tác chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Thành phố Hải Phòng đang tập trung nguồn lực, tăng cường các công tác chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2 trong các khu công nghiệp (KCN), tiến tới xây dựng và phát triển mở rộng mô hình KCN sinh thái trên địa bàn thành phố.
  • Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Đến cuối năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD. Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nghiên cứu tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường, các ngành và doanh nghiệp (DN) trong nước; đồng thời nâng cao vai trò của nhà đầu tư tổ chức.
  • Khơi thông động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2024, dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để duy trì được sự phục hồi và tăng trưởng, phát triển bền vững, đòi hỏi cần phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới.
  • Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam chính là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng số vốn FDI đăng ký năm 2023, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, đạt khoảng 36,6 tỷ USD - tăng 32,1% so với năm trước.
Yêu cầu EVN khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần