Khơi thông động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

(BKTO) - Năm 2024, dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để duy trì được sự phục hồi và tăng trưởng, phát triển bền vững, đòi hỏi cần phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới.

11.jpg
Năm 2024, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,5%. Ảnh minh họa

Nhiều động lực truyền thống có dấu hiệu suy giảm

Dự báo năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ là một thách thức rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Nhìn lại bức tranh tăng trưởng năm 2023 để đánh giá về những động lực tăng trưởng cho năm 2024, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống, về đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mới chủ yếu là từ đầu tư công, trong khi đó tỷ trọng đóng góp của đầu tư tư nhân còn rất thấp, năm 2023 chỉ đạt 2,7%. So với giai đoạn 2019-2022, đây là mức thấp nhất, cụ thể, so với năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, năm 2021 là 2,6 lần và năm 2022 là 3,3 lần. Theo ông Hiển, qua báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật vẫn còn cản trở, kìm hãm đầu tư tư nhân, do đó vấn đề mấu chốt là cần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cùng với tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn để có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Năm 2024, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,5%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đạt 5,8%; ADB dự báo đạt 5,8%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 5,9%.

Về xuất khẩu (XK), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, năm 2023, XK giảm 4,4%, đây là lần đầu tiên XK giảm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Việc một số ngành hàng XK bị suy giảm không chỉ bởi khó khăn về thị trường, mà còn bởi mức độ chuyển đổi xanh chậm làm hạn chế khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh so với nhiều đối tác khác. “Chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải nhận thức rõ những nguy cơ trong việc chậm chuyển đổi xanh để có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, qua đó đóng góp nhiều hơn cho XK” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Một động lực tăng trưởng truyền thống nữa cũng có sự suy giảm được TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - chỉ ra đó là tiêu dùng. Năm 2023, tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng chỉ đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Đây là mức tăng trưởng rất thấp, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng trong khoảng 10 năm trở lại đây, do đó, đây cũng là một trụ cột cần được “kích” tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Cần khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới

Xét về các động lực tăng trưởng mới, theo TS. Cấn Văn Lực, có nhiều động lực mới có thể kể đến như: Chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, tăng trưởng xanh, đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội, tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế…

Lượng hóa tác động từ các động lực tăng trưởng mới, ông Lực cho biết, theo một số nghiên cứu, nếu chuyển đổi số tốt sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm hằng năm từ 0,65-1,35 điểm phần trăm. Cải cách thể chế kinh tế nếu được đẩy mạnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, sẽ đóng góp thêm bình quân 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Đối với tăng trưởng xanh, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam triển khai và chuyển dịch tốt về tăng trưởng xanh có thể giúp GDP tăng thêm từ 1,8-2 điểm phần trăm…

Đối với cơ hội từ hội nhập, ông Lực nêu một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chỉ ra, chỉ cần Việt Nam tận dụng được lợi thế từ 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp kim ngạch XK tăng thêm khoảng 15-16% từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, một khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được khoảng 31% các ưu đãi, lợi ích từ các FTA, do đó, còn nhiều dư địa để khai thác.

Đề xuất các giải pháp để củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, theo các chuyên gia, trước hết cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đối với XK, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam - cho rằng, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm hơn năm 2023, do đó, Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường XK, không chỉ tập trung chủ yếu vào 3 thị trường chính như hiện tại là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. “Nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường XK đến nhiều quốc gia hơn ở châu Á, Nam Á, châu Mỹ La-tinh thì sẽ giúp xây dựng sự bền vững mới cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai dài hạn” - bà Dorsati Madani nhấn mạnh.

Để phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật cho phát triển các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, trong đó bao gồm cả các cơ chế thử nghiệm (sandbox). Đặc biệt, cần sớm xây dựng một đề án về nâng cao năng suất lao động quốc gia để có những giải pháp căn cơ trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo nền tảng để nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng nhanh và bền vững./.

Cùng chuyên mục
  • Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Đến cuối năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD. Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nghiên cứu tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường, các ngành và doanh nghiệp (DN) trong nước; đồng thời nâng cao vai trò của nhà đầu tư tổ chức.
  • Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam chính là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng số vốn FDI đăng ký năm 2023, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, đạt khoảng 36,6 tỷ USD - tăng 32,1% so với năm trước.
  • Phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với 8 cơ chế đặc thù “khác với luật, vượt lên trên luật”, trên nguyên tắc phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng các cơ chế đặc thù sẽ sớm được triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
  • Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tăng 2,3 triệu khách hàng
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, với sự nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia hệ thống thông tin tín dụng, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng (CSDL TTTD) quốc gia đã tăng 2,3 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3% và đạt 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay.
  • Ngăn ngừa nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt… là những mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra trong năm 2024.
Khơi thông động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế