Bài 1: "Nóng" lên từ những kết luận, kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Những năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kiến nghị kiểm toán được thực hiện kịp thời thể hiện trách nhiệm của KTNN nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, hoàn thiện thể chế. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng thể hiện rõ tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm toán.

Việc làm rõ nguyên nhân, tập trung xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán tồn đọng đang là yêu cầu được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Phiên giải trình của KTNN với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới. Nhân dịp này, Báo Kiểm toán trân trọng giới thiệu với bạn đọc tuyến bài về vấn đề này.

bai-1.1.jpg
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Ảnh: N.LỘC

Là cơ quan hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong nhiều năm qua, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN đóng vai trò quan trọng giúp chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách, cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn ngừa những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu NSNN…

Kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN; giúp Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công.

Nhận diện “lỗ hổng” qua phát hiện kiểm toán…

Trong những năm qua, hoạt động kiểm toán của KTNN đã có sự chuyển biến cả về chiều rộng và chiều sâu. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán được ban hành đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cơ quan chức năng, từ Trung ương tới địa phương, công chúng cũng như tác động trực tiếp đến đối tượng kiểm toán.

Đặc biệt, giá trị của các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng được nâng lên nhờ sự đổi mới toàn diện trong hoạt động kiểm toán; từ sự chỉ đạo quyết liệt, đi thẳng vào điểm “nóng” của lãnh đạo KTNN trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, triển khai kiểm toán để chỉ ra “lỗ hổng”; nguy cơ thất thoát, lãng phí.

Điều 7 Luật KTNN 2015 nêu rõ: Báo cáo kiểm toán của KTNN được lập để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Sau khi phát hành và công khai, các kết luận, kiến nghị “có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Từ giá trị pháp lý đã được ghi nhận trong Luật KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan khác, các kết luận, kiến nghị kiểm toán cần phải được tôn trọng, thực hiện nghiêm, kịp thời.

Ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN)

Điều này được minh chứng rõ trong thực tế vừa qua khi hàng loạt kết luận, kiến nghị kiểm toán trên các lĩnh vực có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; công tác lập dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán NSNN… đã được KTNN công bố với những đánh giá nhiều chiều, thuyết phục.

Điển hình như, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), KTNN đã “nhập cuộc” ngay từ sớm để phát hiện kịp thời các nguy cơ thông qua chuyên đề Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình CPH DNNN giai đoạn 2011-2017. Qua kiểm toán, KTNN phát hiện nhiều vi phạm trong sử dụng đất đai, nổi cộm là tình trạng bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá… Hệ quả của tình trạng này là nhiều khối tài sản đất đai của Nhà nước, sau một hồi vòng vèo đã biến thành của tư nhân với mức giá thấp hơn so với giá thị trường, gây thất thoát nghiêm trọng. Đơn cử như Công ty Lương thực Đà Nẵng (CPH năm 2005) là DNNN thuộc TP. Đà Nẵng quản lý. Nhiều thửa đất rộng hàng nghìn mét vuông của doanh nghiệp này sau CPH đã chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất; đồng thời chuyển mục đích từ thuê đất sản xuất - kinh doanh sang đất ở đô thị sử dụng lâu dài. Theo KTNN khu vực III, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thiếu căn cứ, không phù hợp với các phương pháp xác định giá đất. Sau khi Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Đà Nẵng cho phép chuyển sang giao đất mà không thẩm tra, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp là không đúng trình tự, thủ tục theo Luật Đất đai năm 2003...

ong-phong.-anh.-a-tuan.png
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: TS

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư PPP ngày càng cao, song thực tiễn triển khai nảy sinh nhiều bất cập, sự vào cuộc của KTNN đã cho thấy độ “nhạy” của KTNN đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Các kiến nghị kiểm toán sau khi ban hành đã được các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu, nghiêm túc chấn chỉnh. Trong Luật PPP cũng đã quy định rõ vai trò của KTNN đối với công tác kiểm toán dự án PPP.

Hay, qua kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021, nhiều địa phương đã được KTNN “điểm tên” khi có thiếu sót như phê duyệt bổ sung dự án thu hồi đất khi chưa được HĐND tỉnh thông qua; xây dựng kiến trúc trên đất nông nghiệp (tỉnh Lào Cai). Tại tỉnh Bắc Ninh, thực hiện phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất trước khi có kế hoạch sử dụng đất; bảng giá đất nông nghiệp được xác định chung trên toàn tỉnh với cùng một mức giá cho các loại. Việc này chưa đáp ứng nguyên tắc phù hợp với giá thị trường theo quy định. Tỉnh Cà Mau chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất dẫn tới việc lập các kế hoạch sử dụng đất những năm đầu kỳ chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Từ phía cơ quan Trung ương, qua kiểm toán chuyên đề Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021, KTNN chỉ ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện công tác khoanh định các khu vực có khoáng sản độc hại; thiếu sót trong việc xử lý số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với những trường hợp chưa tiến hành khai thác mà giấy phép đã hết hạn hoặc bị thu hồi…

…đến những kiến nghị mang hơi thở cuộc sống

Trên cơ sở chỉ ra những “lỗ hổng”, nhiều kiến nghị của KTNN “chạm” đúng và trúng những vấn đề căn cơ; những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kiến nghị kiểm toán cũng ngày càng bám sát hơi thở của cuộc sống, bám sát những vấn đề dân sinh bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư của xã hội vào xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng cơ chế hợp tác công - tư (PPP), KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán, qua đó kịp thời phát hiện bất cập và kiến nghị xử lý nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp; giúp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, pháp luật, từ đó thúc đẩy việc đưa chủ trương vào cuộc sống.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trần Trí Thành nhấn mạnh: “Những phát hiện, kiến nghị kiểm toán là minh chứng khách quan cho vai trò không thể thiếu của KTNN trong việc góp phần tăng cường tính minh bạch; hoàn thiện pháp luật; hạn chế thất thoát, lãng phí…”; đồng thời lưu ý các kiến nghị này cần được các Bộ, ngành tiếp thu để tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định cho phù hợp, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư PPP.

47-1645588501-vu-dinh-anh.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Ảnh: ST

Nhấn mạnh việc CPH DNNN thời gian qua tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát, trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia CPH, chứ không phải giá trị DNNN. Từ thực tế đó để thấy vai trò của KTNN trong việc chống nguy cơ thất thoát tài sản công trong và sau quá trình CPH DNNH là rất quan trọng.

Không dừng lại ở những kiến nghị có tính vĩ mô, phục vụ cho công tác giám sát, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các kiến nghị kiểm toán còn hướng đến từng nhóm đối tượng trong xã hội. Đơn cử, qua kiểm toán tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2020 cho thấy, số dư tích lũy tài chính công đoàn là gần 29.000 tỷ đồng, trong khi lại rất hạn chế chi chăm lo trực tiếp cho người lao động… Tại thời điểm kiểm toán, tỷ lệ chi này vào khoảng 46% trong tổng nguồn tổ chức công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị dù chưa thành lập tổ chức công đoàn nhưng vẫn nộp kinh phí công đoàn (trong giai đoạn 2015-2019, với số tiền 1.162,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, số tiền này chủ yếu tồn kết dư của công đoàn cấp trên cơ sở… từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bỏ chi phí để tạo thành chi phí xã hội nhưng lại không đến được tay người lao động, gây bức xúc trong dư luận.

“Những bất cập đã được KTNN kiến nghị, góp tiếng nói kịp thời để cơ quan chức năng chấn chỉnh, sửa đổi, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác này” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết./.

Cùng chuyên mục
Bài 1: "Nóng" lên từ những kết luận, kiến nghị kiểm toán