Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách: Kênh thông tin quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân

(BKTO) - Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quyết toán ngân sách. Có những bất cập tồn tại qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được các Bộ, ngành, địa phương khắc phục. Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với hoạt động kiểm toán quyết toán ngân sách. Yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) và cả người dân cũng như mục tiêu chiến lược của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt hơn cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách.

Đây là nội dung được đề cập tại Tọa đàm “Nâng tầm giá trị kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách” do Báo Kiểm toán tổ chức ngày 12/12 với sự tham gia của: Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội; ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII.

6-dang-van-thanh(1).jpg
Ông Đặng Văn Thanh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh, báo cáo kiểm toán nói chung và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nói riêng là căn cứ pháp lý quan trọng giúp Quốc hội, HĐND quyết định các vấn đề của đất nước, trong đó có việc phê chuẩn quyết toán ngân sách.

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách - căn cứ pháp lý quan trọng

Trước hết, phải khẳng định, báo cáo kiểm toán là văn bản có giá trị pháp lý của cơ quan KTNN đã được chế định trong Hiến pháp; là căn cứ pháp lý để phục vụ Quốc hội, HĐND thực hiện các chức năng, trong đó có việc quyết định các vấn đề của đất nước, địa phương. Một trong các quyết định quan trọng là quyết định về dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm, đồng thời thực hiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tài chính ngân sách. Cho nên, những thông tin về ngân sách, tài chính trong báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng giúp các đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến về quyết toán, dự toán ngân sách. KTNN có tiếng nói cực kỳ quan trọng giúp đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có thêm nguồn thông tin bên cạnh các nguồn thông tin do Chính phủ cung cấp, từ đó đảm bảo đánh giá một cách khách quan, quan trọng là quyết định và thực hiện các hoạt động mang tính giám sát, kể cả giám sát tối cao và giám sát tại các địa phương trong phạm vi chấp hành NSNN.

Để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán nói chung, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nói riêng, cần rất nhiều giải pháp. Hiện nay, KTNN đã làm khá tốt, cung cấp khá nhiều thông tin. Có điều, làm sao để những thông tin ấy cụ thể hơn, xác thực hơn, đảm bảo đánh giá tính hiệu quả các hoạt động thu, chi tài chính của Nhà nước; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội tiếp cận dễ hơn, thuận lợi hơn, từ đó có thể sử dụng thông tin trong báo cáo để thực hiện các chức năng, đặc biệt là giám sát tối cao đối với hoạt động NSNN.

Ông Đặng Văn Thanh

KTNN đã và đang triển khai khá tốt về kiểm toán hoạt động. Người dân cũng muốn rằng, việc xác định sự đúng đắn, tin cậy của số liệu thu, chi ngân sách là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa người dân muốn biết các khoản thu, chi ngân sách ấy thực sự có hiệu quả? Đối với thu ngân sách, người dân muốn biết các khoản thu ấy đã thực sự góp phần tăng thu cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế, động viên, khuyến khích, bồi dưỡng các nguồn thu, không chỉ cho hôm nay mà còn cho tương lai. Hay, các khoản chi có thực sự hiệu quả đối với từng lĩnh vực không. Vì thế tới đây, KTNN cần có những báo cáo đánh giá sâu hơn về một số lĩnh vực.

Qua kiểm tra, đánh giá các thông tin về NSNN, KTNN có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ để đưa ra những ý kiến độc lập về những cái chưa hoàn thiện của chính sách, chế độ, luật pháp... Đây là vấn đề quan trọng để giúp đại biểu Quốc hội có thêm hiểu biết, thêm thông tin và quan trọng hơn là hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, chính sách về mặt lâu dài.

Giải quyết 3 vấn đề trong chi chuyển nguồn

Gần 10 năm trở lại đây, mức chuyển nguồn từ năm này sang năm sau ngày càng tăng thêm. Đây là vấn đề gây bất lợi cho nền kinh tế và là trăn trở của nhiều nhà quản lý. Thời gian qua, KTNN đã chỉ ra được mức độ chuyển nguồn từ năm nay sang năm sau; các nguyên nhân, nội dung, bản chất của các khoản chuyển nguồn này.

Vấn đề này Nhà nước nên kiên quyết giải quyết tương đối dứt điểm đối với ba vấn đề: Thứ nhất, phân tích kỹ hơn, sâu hơn nguyên nhân của từng khoản chuyển nguồn, khoản chuyển nguồn nào do chính cơ chế chưa rõ, chưa minh bạch, quy trình ngân sách hiện nay còn vướng. Thứ hai, các cơ quan quản lý, cấp phát ngân sách vì sao lại cấp phát muộn, vì sao dự toán lại bàn giao chậm, vì sao lại giao dự toán trong lúc điều kiện để thực thi chưa đầy đủ. Trong khi luật quy định rất rõ, chỉ giao dự toán khi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ đó rõ ràng. Thứ ba, tính kỷ luật, kỷ cương của đơn vị sử dụng NSNN.

Tại Kỳ họp gần đây nhất, Quốc hội khóa XV cũng đã rất kiên quyết, thậm chí kiên quyết hủy dự toán, không cho chuyển nguồn. Điều này có thể đau một chút, gây khó một chút cho các đơn vị, nhưng đó là việc cần thiết. Đánh giá về chi chuyển nguồn, KTNN đã làm tốt, nên chăng sâu một chút và từ đó có những kiến nghị cụ thể hơn trên từng nguyên nhân cụ thể, giúp Nhà nước có biện pháp khắc phục từ các quy định mang tính cơ chế, vĩ mô cho đến các kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách.

Việc tính toán lại thời gian của quy trình ngân sách là cần thiết

Để rút ngắn quy trình và thời gian quyết toán NSNN hằng năm, Bộ Tài chính đã đề xuất các Bộ, cơ quan Trung ương gửi báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính, KTNN trước ngày 20/7 năm sau thay vì trước ngày 01/10 năm sau như quy định hiện hành. Đây là vấn đề liên quan đến quy trình ngân sách được Quốc hội bàn nhiều lần. Ở đây có 2 vấn đề đặt ra, toàn bộ quy trình ngân sách ấy phải đảm bảo đủ thời gian nhất định để các cơ quan lập, cung cấp, thẩm định, đánh giá, phê duyệt các quyết toán ngân sách. Nhưng hiện nay, thời gian không đủ để các cơ quan tư vấn, thẩm định.

Thứ hai, hiện nay, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho phép quá trình lập và cung cấp truyền tải thông tin nhanh hơn, sớm hơn, kịp thời hơn. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề bản chất thì nên tính xem niên độ ngân sách là 12 tháng. Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang thực hiện theo năm dương lịch. Đặc biệt, các tháng 1, 2, 3 lại trùng Tết dương lịch và Tết âm lịch. Cho nên trong nhiều trường hợp, mặc dù chúng ta đã cho thời gian điều chỉnh ngân sách, nhưng gần như các dự toán ban đầu cũng chưa triển khai được nhiều. Bên cạnh đó, rất nhiều khoản thu, chi lại rơi trong khoảng thời gian này. Nếu chúng ta khóa sổ, quyết toán tính đúng ngày 31/12 dương lịch hằng năm thì nhiều khi làm khó cho quá trình quyết toán hóa đơn.

Trước đây đã có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tính niên độ ngân sách hay niên độ kế toán bắt đầu từ ngày 01/4 và kết thúc ngày 31/12. Như vậy, sẽ giúp chu trình ngân sách luân chuyển hơn. Vì thế, tôi cho rằng, việc tính toán lại thời gian của quy trình ngân sách là cần thiết. Tất nhiên phải có sự phân tích kỹ và tính toán hết cái lợi, cái hại, đặc biệt theo thông lệ quốc tế cũng như đặc thù của Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách: Kênh thông tin quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân