Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

(BKTO) - Hà Giang và Lạng Sơn đã trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

ha-giang.jpg
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh sưu tầm

Ngày 04/4, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn. 

Theo thông tin buổi làm việc, Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam giàu truyền thống lịch sử, văn hóa bản địa đặc sắc. Đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp với trên 280 lễ hội, cùng hàng chục loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc.

Trong đó, 9 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh Lạng Sơn còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú với 141 di tích đã xếp hạng các cấp. Do đó, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch song song với bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa của tỉnh và hướng tới xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu tại Lạng Sơn.

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt trên 3,9 triệu lượt, đạt 104,2% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 4,8% GRDP toàn tỉnh. Tổng thu từ du lịch đạt trên 7.000 tỷ đồng, đóng góp trên 10% vào GDP của tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn đang triển khai các nội dung của Đề án thành lập, xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2024. Đây được kỳ vọng sẽ là một sản phẩm hấp dẫn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với Lạng Sơn.

Ấn tượng với cách làm, sự đột phá trong phát triển ngành du lịch Hà Giang những năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên mong muốn được tỉnh Hà Giang chia sẻ những cách làm hay, sát thực tiễn để các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn có thể học hỏi, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh, giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa - du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết, ngành Du lịch Hà Giang đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ và bứt phá hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Với những thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, tính nguyên sơ, bản sắc văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em, các sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng của Hà Giang tiếp tục được duy trì, nhân rộng để thu hút du khách, qua đó góp phần giữ gìn, quảng bá văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá đến với du khách.

Để phát triển và bảo tồn du lịch bản sắc, tỉnh Hà Giang luôn lấy người dân bản địa làm nhân tố phát triển chính, ứng dụng truyền thông số để lan tỏa bản sắc dân tộc riêng sẵn có. 

Hà Giang cũng ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng có tiềm năng phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù; khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai tỉnh đã trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác quản lý, ban hành các cơ chế, chính sách để bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Cùng chuyên mục
Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch