Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Dù có khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng hay do hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được giao thấp hơn năm trước, nhưng dòng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 44.208 tỷ đồng, chiếm 54,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.254 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ...
Chính sách tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên phát triển theo quy chế cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực gồm: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực này, không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, giảm chi phí đầu vào, hoạt động hiệu quả.
Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 10 ước đạt 77.533 tỷ đồng, tăng 4,5% so đầu năm. Thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh lãi suất huy động và cho vay đang có chiều hướng tăng lên. Về lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm (Quỹ tín dụng nhân dân là 6,5%/năm), các lĩnh vực khác phổ biến từ 8-10%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10-13%/năm…
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó, chính sách cho người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 (đã kết thúc vào 31/3/2022) giải ngân cho 11 doanh nghiệp vay vốn với số tiền 446 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 13.981 người lao động. Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp (đã kết thúc vào 30/6/2022) đã cơ cấu lại thời hạn nợ với tổng số nợ được cơ cấu lại là 2.895,5 tỷ đồng cho 14.910 khách hàng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 161,69 tỷ đồng...
Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng và thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để mở rộng cho vay gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và các chương trình kinh tế trọng điểm theo hướng khai thác tiềm năng thế mạnh tại địa phương.