Cần một chiến lược truyền thông bài bản về Kiểm toán nhà nước

THÙY ANH (thực hiện) | 20/06/2024 11:10

(BKTO) - Nhiều điều trăn trở với công tác truyền thông của Ngành đã được TS. Lê Đình Thăng - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) - chia sẻ với Báo Kiểm toán nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Ông Thăng kỳ vọng Ngành sẽ có một chiến lược truyền thông bài bản trong tương lai, để người dân hiểu hơn về KTNN…

s_4-anh-thang-3.jpg
TS. Lê Đình Thăng. Ảnh: PHÙNG CHÍ CƯỜNG

Thưa ông, khi trò chuyện với các nhà báo, phóng viên, không ít lần ông dẫn Tuyên bố LIMA của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI): Sức mạnh của cơ quan kiểm toán là sức mạnh của truyền thông và công chúng. Theo ông, KTNN đang thực hiện khuyến nghị này của INTOSAI như thế nào?

Sức mạnh của cơ quan kiểm toán là sức mạnh của truyền thông và công chúng. Điều này hàm ý: Tất cả kết quả kiểm toán phải được công khai để truyền thông, công chúng có thể tiếp cận và dưới áp lực của công chúng, của dư luận và truyền thông, các cơ quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phải thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nếu đơn vị được kiểm toán không thực hiện thì công chúng cũng sẽ tạo áp lực để đơn vị thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Đó mới là sức mạnh tối thượng trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và việc công khai, minh bạch hàm ý để tạo nên sức mạnh. Việc công khai về tài chính quốc gia, công khai kết quả kiểm toán chính là một phần minh bạch tài chính quốc gia.

Vấn đề công khai kết quả kiểm toán được quy định trong nhiều luật, từ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đến Luật KTNN năm 2005 và Luật KTNN năm 2015. KTNN cũng đã từng bước thực hiện vấn đề này. Đến nay, ngoài báo cáo kiểm toán (BCKT) đóng dấu Mật hoặc Tuyệt mật thì các BCKT đều được công khai trên website của KTNN. Vấn đề là báo chí tiếp cận và nhìn nhận như thế nào.

Ở đây, có một vấn đề, ngôn ngữ của BCKT là ngôn ngữ rất chuyên môn. Khó khăn đối với nhà báo là tiếp cận và chuyển tải được ngôn ngữ chuyên môn thành tác phẩm báo chí. Điều đó đòi hỏi KTNN dần dần phải có một bộ phận làm cầu nối, chuyển tải từ BCKT sang thông cáo báo chí (thông cáo kiểm toán). Hơn nữa, để bình luận được những con số trong BCKT, đôi khi cần tiếng nói của các chuyên gia về pháp luật, tài chính, thuế... Nếu chưa khắc phục được những khó khăn này thì thông tin về kiểm toán rất khó đến được với số đông công chúng.

Theo ông, các cơ quan truyền thông nên làm gì để thực hiện tốt hơn trọng trách của mình trong việc thông tin về hoạt động kiểm toán, giúp người dân hiểu hơn về KTNN?

Các cơ quan báo chí, truyền thông hiện nay đã làm tốt việc đưa tin về hoạt động kiểm toán (KTNN đã thực hiện được bao nhiêu cuộc kiểm toán, phát hiện như thế nào, chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước ra sao...). Tuy nhiên, làm như thế nào để dân chúng hiểu tại sao phải có cơ quan kiểm toán, thành lập KTNN để làm gì, KTNN mang lại những giá trị gì... Những điều này có chăng mới đề cập ở những tạp chí chuyên sâu như những tạp chí dành cho nhà khoa học, nhà quản lý mà chưa đến được với công chúng.

Truyền thông đang mặc nhiên là dân chúng đã hiểu về KTNN nhưng thực ra không phải như vậy. Bởi lẽ, ngay cả một số nhà quản lý cũng chưa hiểu hết thiết chế KTNN. Hiểu đúng công cụ này mới sử dụng nó tốt được. Giống như với một thiết bị, nếu người sử dụng không hiểu về nó thì gần như không sử dụng được. Đây là cái khó trong hoạt động của cơ quan KTNN. Thời gian tới, mong rằng KTNN phải đẩy mạnh việc này. Các cơ quan truyền thông, báo chí sẽ cùng đồng hành với KTNN làm tốt hơn vấn đề này. Muốn công chúng hiểu rõ về KTNN thì chỉ có các cơ quan truyền thông, báo chí mới làm được.

Truyền thông vẫn phải tiếp tục thông tin về việc tại sao phải có cơ quan kiểm toán, tại sao đã có cơ quan thanh tra nhưng vẫn cần có cơ quan kiểm toán, có kiểm toán rồi thì thanh tra và kiểm toán hoạt động ra sao để tránh những tranh luận không cần thiết về sự chồng chéo do chưa hiểu hết 2 thiết chế này và mỗi thiết chế đều có sự khác biệt.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của KTNN, đặc biệt là hoạt động kiểm toán, KTNN cần xây dựng chiến lược truyền thông như thế nào, thưa ông?

Đây cũng là một câu chuyện. KTNN cần có một “kênh” để dẫn dắt câu chuyện về KTNN. Trụ sở KTNN có treo biển: “Vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”. Có thể nhiều người vẫn không hiểu tại sao KTNN lại vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững. Ngoài những bài trên tạp chí chuyên sâu của các nhà nghiên cứu khoa học, đã có tác phẩm báo chí nào để công chúng thấy rằng, để nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, cần phải có cơ quan kiểm toán; trong khi đó, điều chúng ta cần là những thông tin này phải đến đa số công chúng.

KTNN cần có chiến lược truyền thông bài bản, từ truyền thông về địa vị pháp lý, năng lực của cơ quan kiểm toán, những yêu cầu của nó như thế nào đến kết quả hoạt động của cơ quan kiểm toán. Kết quả hoạt động của KTNN cũng phải đi vào chuyên sâu với những phân tích mang tính chuyên gia. Ví dụ, từ thông tin tổng hợp về quyết toán ngân sách nhà nước của KTNN, cần có chuyên gia phân tích chuyên sâu để nhận định: KTNN đã đánh giá tổng thể nền tài chính quốc gia như thế nào, định vị nó ở đâu và đâu là vấn đề cần cải thiện, cần sửa đổi gì…

Lãnh đạo KTNN ngày càng chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông. Ông có mong muốn và khuyến nghị gì để Báo Kiểm toán có thể đáp ứng tốt yêu cầu đó?

Chúng tôi mong muốn Báo Kiểm toán sẽ trở thành báo nguồn, đặc biệt trở thành nguồn công khai kết quả kiểm toán, công khai hoạt động của cơ quan kiểm toán. Ở đây cần lưu ý, KTNN không chỉ công khai kết quả kiểm toán mà phải công khai hoạt động và công khai về chính sách của cơ quan kiểm toán. Nếu hoạt động của cơ quan không minh bạch thì kết quả chưa chắc đã tạo ra sự minh bạch. Đây cũng là yêu cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các cơ quan phải công khai từ chính sách đến việc tổ chức thực thi chính sách và tổng kết đánh giá chính sách.

Từ khi hội nhập, Việt Nam đã thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công khai từ dự thảo đến văn bản được phê duyệt và công khai việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện văn bản đó. Dự toán ngân sách nhà nước đã công khai từ dự thảo trình Quốc hội lần đầu đến dự thảo tiếp theo và công khai dự toán được Quốc hội quyết định. Do đó, dân chúng có thể tiếp cận được dự thảo lần đầu và bản được phê duyệt xem sự khác biệt là gì, lý do tại sao...

Tương tự như vậy, KTNN cũng phải có Chiến lược công khai để tạo sự minh bạch. KTNN vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, muốn đáp ứng được sứ mệnh này thì chính hoạt động của KTNN phải minh bạch.

Báo Kiểm toán - cơ quan ngôn luận của KTNN, thời gian qua đã có sự thay đổi rất nhiều, nhưng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ với sự minh bạch chung của quốc gia và của KTNN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Để gặt hái được nhiều kết quả nổi bật sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam luôn chú trọng đến hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế. Quá trình hợp tác gắn bó với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về KTNN Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
  • Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công của ngành nông nghiệp
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Được bố trí vốn đầu tư công (ĐTC) trong nhóm ngành lớn nhất cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác giải ngân vốn, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ngoài tự kiểm tra, giám sát, Bộ cũng coi trọng hoạt động kiểm toán để qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn công. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
  • Vụ Pháp chế: Khẳng định vai trò nòng cốt trong hoàn thiện pháp luật về Kiểm toán nhà nước
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Được thành lập năm 2003, quá trình xây dựng và phát triển cũng như vai trò của Vụ Pháp chế gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
  • Công tác báo chí, thông tin - truyền thông: Nâng tầm vị thế Kiểm toán nhà nước
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kể từ khi thành lập tới nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đã dần khẳng định vai trò của một cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán công của khu vực và thế giới. Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế, công tác truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng tầm vị thế của KTNN.
  • Phát triển nguồn nhân lực:Trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Gần 1/3 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn quan tâm đặc biệt đến công tác phát triển nguồn nhân lực và coi đây là trụ cột quan trọng quyết định sự thành bại trong tiến trình phát triển của KTNN.
Cần một chiến lược truyền thông bài bản về Kiểm toán nhà nước