Là một trong những ngành có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt cao so với trung bình cả nước. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
Xác định công tác ĐTC đóng vai trò rất quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy việc sản xuất, lãnh đạo Bộ đã quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án) đối với các dự án mở mới… Ngay từ đầu năm, Bộ đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ĐTC cho các đơn vị; đồng thời yêu cầu các đơn vị, trong đó Cục Quản lý xây dựng công trình là đơn vị đầu mối thường xuyên rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn. Kết quả, năm 2023, Bộ NNPTNT đã giải ngân gần 100% vốn trong nước, vốn nước ngoài đạt 75,2% (cao hơn trung bình cả nước) và thuộc tốp đầu các Bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn ĐTC.
Hay như năm nay, Bộ NNPTNT được giao kế hoạch vốn 9.935,7 tỷ đồng (vốn trong nước là 8.421,3 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.514,4 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 5/2024, ngành nông nghiệp giải ngân 4.154,5 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm. Tỷ lệ giải ngân này cao hơn kết quả trung bình của cả nước. Trong triển khai ĐTC, Bộ luôn đặt công tác phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước lên hàng đầu. Trong đó, Cục Quản lý xây dựng công trình sẽ kiểm soát chặt chẽ ngay từ những bước đầu triển khai thực hiện dự án; chỉ tổ chức nghiệm thu, thanh toán các hạng mục đảm bảo chất lượng. Bộ cũng luôn chú trọng đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN); chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và qua đó để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục kịp thời và chấn chỉnh đối với các dự án sau.
Chúng tôi luôn xác định sự vào cuộc của cơ quan KTNN đóng vai trò rất quan trọng; thông qua những phát hiện, kiến nghị kiểm toán sẽ giúp các cơ quan thuộc Bộ, các chủ đầu tư nhìn nhận rõ hơn những thiếu sót, từ đó kịp thời chấn chỉnh và hạn chế tối đa các sai sót trong triển khai dự án.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT
Có kết quả giải ngân đạt cao, song kế hoạch ĐTC của Bộ NNPTNT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về vốn. Xin ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, việc triển khai ĐTC của ngành nông nghiệp cũng gặp phải những khó khăn trong giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; vấn đề quy hoạch… Bên cạnh đó, việc thi công dự án lĩnh vực nông nghiệp còn phải căn cứ vào kế hoạch mùa vụ để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những khó khăn này cần phải có thời gian để tháo gỡ, do liên quan đến nhiều quy định, thuộc thẩm quyền của nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất trong ĐTC, đó là vấn đề thiếu vốn tại hầu hết các dự án do Bộ NNPTNT quản lý. Do đó, Bộ đã có văn bản đề xuất bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án, với số vốn là 5.500 tỷ đồng. Bộ cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ đối với vấn đề thiếu vốn. Thời gian bổ sung vốn cần được thực hiện trong quý II/2024 hoặc đầu quý III/2024 để đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch vốn ĐTC trung hạn 2021-2025 mà Bộ NNPTNT được giao là 78.183,9 tỷ đồng. Để cân đối nguồn vốn hiện có, trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án có kết quả giải ngân tốt, các dự án đã đủ điều kiện triển khai, đặc biệt là các công trình nông nghiệp trọng điểm quốc gia.
Như ông vừa chia sẻ, đơn vị luôn chú trọng thực hiện theo kiến nghị kiểm toán, thông qua đó để làm tốt hơn công tác quản lý dự án. Xin ông có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?
Năm 2024, ngành nông nghiệp có tổng cộng 289 dự án/dự án thành phần, trong đó có 164 dự án đã khởi công; 80 dự án đã phê duyệt, chưa khởi công; 31 dự án đang hoàn thiện chờ phê duyệt và 14 dự án tạm dừng. Ưu tiên của Bộ NNPTNT giai đoạn hiện nay là sẽ tập trung cho các dự án chuyển tiếp còn vướng mắc (Hồ Cánh Tạng, Kroong Pách Thượng, Bản Mồng). Bộ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch; điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Cùng với đó, toàn ngành hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án mở mới; tạm dừng triển khai lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án giãn tiến độ sang giai đoạn 2026-2030; các dự án đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến hành thủ tục đấu thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật… đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng tiến độ dự án, kế hoạch giải ngân.
Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc thanh tra, kiểm toán dự án. Là đơn vị được Bộ giao làm đầu mối quản lý, đôn đốc trong triển khai ĐTC, chúng tôi đánh giá cao đóng góp của KTNN đối với công tác quản lý dự án, cũng như việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hiện nay. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán của KTNN và yêu cầu các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư phối hợp với đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán. Chúng tôi luôn xác định sự vào cuộc của cơ quan KTNN đóng vai trò rất quan trọng; thông qua những phát hiện, kiến nghị kiểm toán sẽ giúp các cơ quan thuộc Bộ, các chủ đầu tư nhìn nhận rõ hơn những thiếu sót, từ đó kịp thời chấn chỉnh và hạn chế tối đa các sai sót trong triển khai dự án. Mặt khác, qua kiểm toán, KTNN cũng nhìn nhận những bất cập trong cơ chế, chính sách để cùng với ngành nông nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, hoàn thiện… Lãnh đạo Bộ thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các đơn vị chức năng, đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ chỉ đạo nhà thầu phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm toán ngay trong quá trình kiểm toán, cũng như thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.