Cao Bằng: 30 năm bảo hiểm y tế thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

(BKTO) - Bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai tại tỉnh Cao Bằng từ năm 1992. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, BHYT đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

cb.jpg
Người dân tham gia KCB BHYT tại Trạm Y tế xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: soytecaobang.gov.vn

Trên 95% dân số trong tỉnh tham gia bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, năm 1993, toàn tỉnh mới chỉ có 24.917 người tham gia BHYT, thì đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 511.377 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ trên 95% dân số.

Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, BHXH tỉnh Cao Bằng đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHYT; thực hiện việc cấp thẻ BHYT kịp thời, nhanh chóng; bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB).

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Cao Bằng chủ động phối hợp với ngành y tế, các cơ sở KCB và các ngành liên quan thực hiện tốt các quy định của Luật BHYT. Mạng lưới cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng; các cơ sở y tế công lập và tư nhân đủ điều kiện đều thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đến tháng 6/2022, BHXH tỉnh Cao Bằng đã ký hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với 21 cơ sở KCB tuyến tỉnh và huyện, trong đó có 03 cơ sở y tế tư nhân; phối hợp với Sở Y tế đưa KCB BHYT đến 161/161 Trạm Y tế tuyến xã, phường; tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt người được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn với mức chi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng - Bà Nguyễn Thị Thanh Oanh - cho biết, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT, những năm qua, BHXH tỉnh đã triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tham mưu Tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT vào Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh, cấp huyện; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT cho các huyện, thành phố để tiếp tục giao cho các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện.

Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, từ ngày 01/3/2022, BHXH tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở KCB triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy. Do đó, người dân khi đi KCB BHYT chỉ phải xuất trình 01 loại giấy tờ, thay vì 02 loại giấy tờ như trước đó.

6 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm y tế chi trả gần 49 tỷ đồng

Cao Bằng là địa phương thường xuyên bảo đảm cân đối Quỹ KCB BHYT, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Hàng năm, Quỹ BHYT đã chi trả cho chi KCB BHYT của người bệnh có thẻ BHYT do tỉnh phát hành trung bình khoảng trên 400 tỷ đồng (bao gồm phát sinh tại tỉnh và phát sinh ngoài tỉnh).

Chẳng hạn, năm 2021, số lượt KCB BHYT là gần 610 nghìn lượt người, tổng chi phí KCB BHYT là trên 310 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dự toán năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt trong năm 2021, Quỹ BHYT đã chi trả cho 69 lượt KCB có chi phí 01 đợt điều trị lên đến trên 100 triệu đồng, 02 lượt KCB có chi phí 01 đợt điều trị trên 500 triệu đồng.

6 tháng đầu năm 2022, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, BHXH tỉnh Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý chi phí KCB BHYT ngay từ đầu năm. Theo đó, số lượt KCB BHYT là trên 280.000 lượt người, tổng chi phí KCB BHYT trên 140 tỷ đồng.

Trung tâm Y tế huyện Hòa An cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã KCB cho trên 11.000 lượt người có thẻ BHYT, điều trị nội trú cho gần 7.800 lượt bệnh nhân. Tổng số tiền BHYT chi trả cho dịch vụ KCB BHYT trên 12 tỷ đồng, chiếm 98,9% tổng chi phí KCB.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng - Bác sĩ CKI Lục Thị Hiệp - cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện đã KCB cho trên 36.800 lượt người có thẻ BHYT, điều trị nội trú cho trên 8.700 lượt bệnh nhân. Tổng chi phí mà BHYT chi trả là gần 49 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổ 14, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng - chia sẻ: “Tôi điều trị và chạy thận đến nay là 20 năm. Nhờ có thẻ BHYT nên gia đình tôi đỡ rất nhiều chi phí điều trị. Nếu không có thẻ BHYT thì những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như tôi sẽ cực kỳ khó khăn. BHYT giống như cứu cánh cho người bệnh, nhất là những người bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày”.

Thực tế cho thấy, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như: ung thư, suy thận, suy tim… thường có chi phí điều trị vô cùng tốn kém, nhiều bệnh mãn tính thời gian điều trị kéo dài, phải sử dụng các kỹ thuật phức tạp. Chi phí cho mỗi đợt điều trị từ hàng chục, thậm chí lên tới cả trăm triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, bệnh nhân sẽ phải chịu mức phí rất cao, thậm chí không đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận lâu dài với các phương pháp điều trị kỹ thuật hiện đại.

Tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, chúng ta càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Tấm thẻ BHYT nhỏ bé từ lâu đã trở thành những người bạn đồng hành cùng những người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật. Tấm thẻ ấy đã được nhiều người bệnh thân thương đặt cho cái tên “tấm thẻ màu xanh hi vọng”./.

Cùng chuyên mục
Cao Bằng: 30 năm bảo hiểm y tế thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội