Hoan nghênh chuyến thăm đầu tiên của Tổng Giám đốc ILO tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này vào năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam coi trọng vai trò của ILO trong các hoạt động hỗ trợ người lao động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có thúc đẩy mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ các quyền của người lao động cũng như giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng xã hội và thất nghiệp trên toàn cầu hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, với vai trò là cơ quan của Liên Hợp Quốc về lao động, tiếng nói của ILO về vấn đề lao động của Việt Nam rất quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn phía ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp lao động, hỗ trợ Việt Nam trong việc cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương; nghiên cứu, phê chuẩn các Công ước của ILO cũng như thực hiện hiệu quả các Công ước này trên thực tế.
Chia sẻ tại cuộc tiếp, Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo ghi nhận trong và sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có sự phục hồi tốt và là một trong những nước thành công trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Nhấn mạnh ILO và Việt Nam là những đối tác hết sức hiệu quả trong suốt thời gian qua, Tổng Giám đốc ILO cũng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay khi các nước đều đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, ILO mong muốn tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với các nước thành viên để cùng nhìn nhận và cùng vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hết sức quan tâm đến việc tiếp tục cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Lao động, nghiên cứu, phê chuẩn Công ước còn lại của ILO (Công ước 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức). Việt Nam đã có kế hoạch, lộ trình xem xét, phê chuẩn Công ước này; đồng thời cũng đã trao đổi với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các đối tác để tham gia các sáng kiến có tính chất toàn cầu hiện nay.
Trao đổi về các vấn đề Tổng Giám đốc ILO quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia về đích đầu tiên trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Tại Đại hội đồng IPU-132, trên cơ sở sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về các mục tiêu phát triển bền vững. Sau đó, Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những cơ quan lập pháp đầu tiên trong IPU cập nhật hoá các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phát triển bền vững trên các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Về lao động, Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Nhà nước giữ vai trò điều phối giữa giới chủ (đại diện là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và người lao động (đại diện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Trao đổi về các sáng kiến mang tính toàn cầu như sáng kiến Khuôn khổ toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội vì chuyển đổi công bằng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam chú trọng phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Do đó bất cứ mục tiêu, sáng kiến toàn cầu nào có sự tương đồng như vậy Việt Nam đều hết sức hoan nghênh và ủng hộ. Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong quá trình này, ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá và tham gia các sáng kiến này.
Liên quan đến việc triển khai các dự án hợp tác phát triển, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đối tác phát triển của Việt Nam, trong đó có ILO chung tay nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án vừa tuân thủ các hiệp định vay, các thỏa thuận, cam kết giữa hai bên vừa hài hòa với pháp luật Việt Nam; có bất kì vướng mắc nào thì báo cáo Quốc hội để có biện pháp giải quyết.
Tổng Giám đốc ILO cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cùng với các tổ chức của Liên Hợp Quốc cùng thúc đẩy để đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển.