Chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường

(BKTO) - Kiểm toán môi trường (KTMT) là lĩnh vực mới và khó song lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, giúp bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng chú trọng kiểm toán sâu lĩnh vực này, đồng thời luôn quan tâm đến những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được hiệu quả.

4(2).jpg
KTNN ngày càng chú trọng đến KTMT. Ảnh: N.LỘC

Tăng cường kiểm toán chuyên sâu về môi trường

Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN ngày càng chú trọng đến các lĩnh vực kiểm toán mới, khó, trong đó có KTMT. Theo KTNN chuyên ngành III, nếu như trong giai đoạn trước đây, nội dung liên quan đến môi trường chủ yếu được thực hiện trong các cuộc kiểm toán tài chính kết hợp kiểm toán tuân thủ thì đến nay, nhiều cuộc KTMT được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Kết quả nhiều cuộc kiểm toán đạt tốt, được lãnh đạo KTNN đánh giá cao như: Cuộc kiểm toán hoạt động việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. Hồ Chí Minh; cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề của các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022… Nhờ áp dụng loại hình kiểm toán này, các kiểm toán viên đã tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như tổ chức, bộ máy quản lý để đưa ra những kiến nghị phù hợp, kịp thời.

Đặc biệt, ngoài các nội dung kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán dự án, KTNN đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện kiểm toán nội dung về môi trường theo hình thức chuyên đề chuyên sâu. Trong đó phải kể đến một số cuộc kiểm toán như: Hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Long An; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022; Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải tại tỉnh Ninh Thuận, Quảng Bình…

Theo đánh giá của PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), việc lựa chọn các nội dung để thực hiện KTMT thời gian qua của KTNN là phù hợp với định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, cũng như phù hợp với điều kiện nguồn lực của KTNN. Sự tham gia tích cực KTNN khẳng định sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ và người dân đối với KTNN, đồng thời thể hiện tầm ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đối với công tác bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về số lượng cuộc KTMT, mỗi đơn vị kiểm toán phải đề xuất ít nhất một năm 2 cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc kiểm toán hoạt động có nội dung về môi trường... Các chủ đề được lựa chọn trong kế hoạch kiểm toán cần được đề xuất sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ cấp bách phải khắc phục để hạn chế tác động xấu đến môi trường, vấn đề được Nhà nước và dư luận xã hội đang quan tâm…

Nguyễn Thị Kiều Thu - Trưởng phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán

Trước yêu cầu và kỳ vọng ngày càng lớn của Đảng, Nhà nước và công chúng đối với hoạt động kiểm toán, trong đó có KTMT, lãnh đạo KTNN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm toán thực hiện đổi mới hoạt động kiểm toán, cũng như tích cực hiến kế để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Từ định hướng của Ngành và đòi hỏi của thực tiễn, các đơn vị kiểm toán đã có những chia sẻ, đề xuất cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phải được thống nhất từ khâu chuẩn bị cho đến tổ chức triển khai kiểm toán với các nguồn lực phải được chuẩn bị tốt cho hoạt động kiểm toán. Lãnh đạo Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III) cho biết, KTMT là lĩnh vực mới, khó, đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên phải đáp ứng những yêu cầu cao để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán. Theo đó, giải pháp đầu tiên, đó là tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên thông qua đào tạo, khuyến khích tự đào tạo; thu hút đội ngũ kiểm toán viên có chuyên môn, công tác trong lĩnh vực môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về KTMT...

Từ kinh nghiệm tổ chức Đoàn kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công đạt được nhiều kết quả tốt, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II Đinh Văn Dũng nhấn mạnh đến yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc kiểm toán, nhất là khi áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động vào KTMT. Theo ông Dũng, do KTMT là lĩnh vực kiểm toán khó, KTNN chưa có nhiều kinh nghiệm nên Đoàn kiểm toán phải tìm hiểu kỹ vấn đề thông qua công tác khảo sát, thu thập thông tin; chú trọng áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu để đưa ra tiêu chí, đưa ra đánh giá phù hợp và mang tính khả thi cao…

Bên cạnh đó, KTNN cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp kiểm toán viên thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng, hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm và trung hạn... Ngoài việc tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động, để đánh giá một cách toàn diện các vấn đề môi trường, các cuộc kiểm toán có thể được tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa 3 loại hình kiểm toán gồm: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho việc KTMT, hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt, KTNN cần tăng cường sử dụng nguồn lực chuyên gia để gia tăng các phát hiện kiểm toán, cũng như giúp kiểm toán viên có thêm cơ hội học tập, trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm trong xử lý vấn đề, nhất là đối với bằng chứng kiểm toán trong KTMT./.

Cùng chuyên mục
Chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường