Chú trọng thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc, miền núi

(BKTO) - Là địa bàn vùng cao thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La đang nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) để qua đó góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây.

acd9983186ba54e40dab.jpg
Kiểm toán Chương trình 1719, KTNN có nhiều kiến nghị quan trọng giúp địa phương chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả Chương trình. Ảnh: N.Lộc

Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình

Bắc Yên là huyện vùng cao có gần 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đối với Chương trình 1719, UBND huyện Bắc Yên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chương trình đã được tỉnh phân cấp trao quyền cho các địa phương, nhằm triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của chương trình.

Ông Nguyễn Đăng Thức - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên cho biết, đối với các dự án, công trình được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu thực hiện khảo sát, thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. 

Đến nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện đối với các công trình chuyển tiếp năm 2022, đồng thời thực hiện các quy trình khảo sát, phê duyệt các công trình đầu tư mới năm 2023 theo quy định.

Đối với các nội dung, tiểu dự án, dự án được giao từ nguồn vốn sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, quản lý nguồn vốn đã chủ động trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn.

Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện giảm còn 31,92%; 87,5% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. 100% các trường học ở xã vùng đặc biệt khó khăn có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh các cấp học. 90% đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Với đặc thù địa bàn chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động, qua đó nâng cao cơ hội có việc làm, cải thiện thu nhập. Đến nay, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề phù hợp đạt 17%. Theo kế hoạch năm 2023, huyện phấn đấu hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 900 lao động; tạo việc làm cho trên 1.500 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.200 lao động.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Bắc Yên đạt 47,5%. Đồng thời, huyện cũng đã kết nối với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên và người lao động tiếp cận, lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp. 

Tăng cường giám sát để điều chỉnh kịp thời các bất cập

Tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình 1719, lãnh đạo huyện Bắc Yên cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát cũng như tìm cách làm mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Theo đó, huyện thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình; tổ chức thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đôn đốc các cơ quan, đơn vị và UBND các xã được giao làm chủ dự án, dự án thành phần... khẩn trương thực hiện các nội dung, hạng mục đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Việc triển khai thực hiện Chương trình tại huyện Bắc Yên cũng chính là định hướng chung được lãnh đạo tỉnh Sơn La chỉ đạo các địa phương, cơ quan trong tỉnh tập trung thực hiện.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La Đinh Trung Dũng, trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình 1719, địa phương đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng như có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát để qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bất cập. “Điều này thể hiện rõ trong kế hoạch triển khai Chương trình của tỉnh, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện Chương trình và coi kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ không tách rời” - ông Dũng cho biết.

Với mong muốn kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bất cập, cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh quy định chưa phù hợp, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó có Chương trình 1719.

29ed8e2f90a442fa1bb5.jpg
Thực hiện hiệu quả Chương trình 1719 sẽ góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.Lộc

Theo ông Vũ Văn Tám - Trưởng phòng (KTNN chuyên ngành V), nội dung kiểm toán tập trung vào việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của chương trình.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định kiểm toán đối với Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (tháng 5/2023), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tráng Thị Xuân cho biết, lãnh đạo tỉnh mong muốn, đoàn kiểm toán sẽ phát hiện và kịp thời đề xuất Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó thúc đẩy việc triển khai dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn. Trên cơ sở kết luận, kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện nghiêm các kiến nghị này./.

Cùng chuyên mục
Chú trọng thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc, miền núi