Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020: Nhiều sai sót và chậm tiến độ làm giảm hiệu quả của Chương trình

(BKTO) - Bên cạnh việc bố trí nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu, kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) còn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, công tác nghiệm thu, thanh toán và nhất là việc thực hiện các tiểu dự án của Chương trình chậm tiến độ đã làm giảm tính hiệu lực, tính kinh tế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, làm chậm phát huy hiệu quả của Chương trình.

c9f5c45342cd9f93c6dc.jpg

KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót và chậm tiến độ làm giảm hiệu quả của Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Ảnh minh họa

Chậm tiến độ, thiết kế chưa sát thực tế

Theo kết quả kiểm toán, quá trình thực hiện các dự án tại các địa phương còn phải điều chỉnh dự án do trùng lặp các công trình đã được đầu tư. Công tác khảo sát, thiết kế chưa sát thực tế, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế. Điển hình như tại tỉnh Hà Giang, các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư có địa chất tại vùng xây dựng dự án phức tạp, điện trở của đất thấp, điện trở suất đất cao nên hệ thống tiếp địa TBA, R2 và RC4 tại một số vị trí cột và trạm biến áp của các công trình không bảo đảm trị số điện trở nối đất theo quy định, dẫn đến phải bổ sung thêm hệ thống tiếp địa; tại Phú Thọ, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xã Trung Sơn, huyện Yên Lập sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế một số vị trí cho phù hợp với hiện trạng.

Bên cạnh đó, lập thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công trên tuyến đường dây cải tạo đã thiết kế thay thế cơ bản vật tư thiết bị trên tuyến (dây dẫn, cột, xà đỡ, sứ…) nhưng không có đánh giá chất lượng và khả năng sử dụng lại của vật tư cũ, không có phương án thiết kế sử dụng lại những vật tư này mà chỉ tháo dỡ, thu hồi, bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Bình.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ, chi phí quản lý dự án phân bổ vào dự án còn tính vượt định mức quy định số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Đồng thời, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu tại một số dự án còn chưa đúng khối lượng, định mức theo quy định (tỉnh Đắk Nông tính thừa tiếp địa hạ áp trị giá 68 triệu đồng; tỉnh Lào Cai áp dụng chưa đúng quy định giá vận chuyển, hệ số nhân cọc tiếp địa, hệ số độ hao hụt dây… dẫn đến chênh lệch dự toán 243 triệu đồng).

Về tiến độ dự án, tiến độ hợp đồng, kết quả kiểm toán cho thấy, một số tiểu dự án tại các tỉnh chậm tiến độ và phải gia hạn tiến độ thực hiện. Cụ thể như: Tại tỉnh Hà Giang, tiến độ Tiểu dự án dự kiến từ năm 2018-2020 phải điều chỉnh gia hạn đến hết năm 2021; tỉnh Bạc Liêu, tiến độ thực hiện dự án ban đầu là đến năm 2020 nhưng đến thời điểm kiểm toán nhiều hạng mục chưa được đầu tư xây dựng… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, do mức kinh phí ngân sách nhà nước và vốn ODA do Trung ương phân bổ cho địa phương hằng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thấp so với tổng mức đầu tư của Chương trình đã được phê duyệt.

Đồng thời, tiến độ của nhiều gói thầu tại các tiểu dự án do các địa phương thực hiện cũng chậm so với tiến độ hợp đồng ban đầu đã ký do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, tạm dừng thi công do ảnh hưởng dịch Covid-19 và do điều chỉnh, bổ sung thiết kế. Trong đó, tại tỉnh Hà Giang, các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ 8-9 tháng; tại tỉnh Tuyên Quang, hầu hết các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ phải gia hạn. Điển hình như tại Dự án cấp điện cho thôn, bản chưa có điện tỉnh Lai Châu, các gói thầu chậm 36-42 tháng…

Giảm trừ hơn 24,6 tỷ đồng do sai sót trong nghiệm thu, thanh toán

Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra, công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai sót, một số khối lượng không thực hiện theo hợp đồng và bản vẽ thiết kế được duyệt, dẫn đến phải giảm trừ số tiền hơn 24,6 tỷ đồng. Cá biệt, tại Công ty Điện lực Lai Châu thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực hiện nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ nhưng chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với giá trị nghiệm thu, thanh toán của các gói thầu, chưa tuân thủ quy định của Luật Thuế GTGT. Công ty thực hiện hạch toán thuế GTGT vào chi phí dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư của các công trình, tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho dự án. Giá trị thuế GTGT đơn vị đã sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho các gói thầu giai đoạn 2017-2022 là gần 15,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán chỉ ra một loạt tiểu dự án đã hoàn thành tại các địa phương còn chậm lập, trình thẩm định báo cáo quyết toán. Cụ thể, tại tỉnh Hà Giang, các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 11 và 12/2021 song đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2022) vẫn đang trong quá trình lập báo cáo quyết toán dự án. Tại tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bạc Liêu, một số gói thầu chậm quyết toán đến 32 tháng.

Ngoài ra, các công trình hoàn thành đã bàn giao cho công ty điện lực địa phương để đóng điện đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành thủ tục bàn giao tài sản. Các công trình tại Tổng công ty Điện lực miền Nam sau khi hoàn thành chưa được cơ quan có thẩm quyền (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương) kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành…

Từ thực tế kiểm toán, KTNN kiến nghị sở công thương các tỉnh, thành phố, các Tổng công ty Điện lực tham gia Chương trình chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót trong công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, nghiệm thu thanh toán, quyết toán công trình hoàn thành. KTNN cũng kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tham gia dự án của Chương trình phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành và quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng./.


 Từ những sai sót được chỉ ra, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 29,2 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách hơn 69,3 triệu đồng; kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán hơn 29,1 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020: Nhiều sai sót và chậm tiến độ làm giảm hiệu quả của Chương trình