Cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai mở thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Halal

(BKTO) - Ngày 14/8, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn hoá Hồi giáo và triển vọng phát triển ngành hàng Halal ở Việt Nam”.

halal.jpeg
Thị trường tiêu thụ của các nước đạo Hồi được dự báo đạt tổng giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024. Ảnh sưu tầm

Hiện tại, dân số các nước theo đạo Hồi đang chiếm gần 30% dân số thế giới và đây là một thị trường được dự báo đạt tổng giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Tuy nhiên, đây là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn Halal.

Vì thế, để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường này thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được về tiêu chuẩn Halal. Đây là công việc không đơn giản và phải được khảo sát, cấp chứng nhận với những tiêu chí đặc thù.

Trước tiềm năng thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế với các thị trường của người Hồi giáo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam đến năm 2030” tại Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nhiều lợi thế về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Việt Nam mới chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal - một con số rất thấp. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.

Trong khi đó, bên cạnh những người Hồi giáo thì nhiều người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi các sản phẩm Halal được nhận diện là sản phẩm chất lượng cao, sản xuất trong một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt.

Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần… Do vậy, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Hơn thế nữa, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ riêng du lịch của người Hồi giáo chiếm 10% nền kinh tế du lịch thế giới với chi tiêu cho du lịch ước tính đạt 200 tỷ USD. Du lịch Halal sẽ tiếp tục là một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số của người Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030.

Theo định hướng phát triển, du lịch Việt Nam được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn vì có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Giai đoạn từ 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% mỗi năm, song lượng du khách người Hồi giáo chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Trong khi đó, các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan và Singapore rất thành công trong việc thu hút du khách đến từ các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - là những khách hạng sang, có khả năng chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài.

Do vậy, việc nắm bắt được tâm lý, thói quen, thị hiếu, nhu cầu… của người Hồi giáo sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khai mở thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Halal toàn cầu, cũng như thu hút nhiều hơn du khách và nhà đầu tư Hồi giáo đến Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, đồng thời thắt chặt quan hệ hợp tác của Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Cùng chuyên mục
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai mở thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Halal