Hơn 1 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT
Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ NSNN và công tác tuyên truyền, số HSSV tham gia BHYT đã tăng dần qua các năm. Năm 2016, có 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt hơn 92,5%; đến năm 2017, đã có trên 16 triệu HSSV tham gia, chiếm trên 93%. Kết thúc năm học 2018 -2019, đã có trên 17 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm hơn 94% số HSSV trong cả nước.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đang cao hơn so với tỷ lệ tham gia BHYT bình quân chung (89% của cả nước). Tuy nhiên, còn khoảng 6% HSSV tương đương khoảng gần 1 triệu em, chưa tham gia BHYT; tỷ lệ tham gia giữa HS và SV, giữa HSSV các vùng miền cũng đang có sự chênh lệch. Hiện, tỷ lệ SV tham gia BHYT thấp hơn so với HS.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong số gần 1 triệu HSSV chưa tham gia BHYT chủ yếu là SV ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp từ năm thứ 2 trở đi. SV thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Chỉ riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm vừa qua đã có khoảng 300.000 SV chưa tham gia BHYT.
“Đây là điều mà chúng tôi đang rất trăn trở để tìm giải pháp, vì HSSV là một trong những nhóm đối tượng mà mục tiêu phấn đấu phải đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ lên 100% theo chỉ đạo của Chính phủ”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ.
Linh hoạt trong thu BHYT để giảm gánh nặng đầu năm học
Với quyết tâm 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2019-2020, trước thềm năm học mới, nhiều địa phương đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dụ triển khai công tác BHYT HSSV.
Điển hình như tại Hà Nội, BHXH TP. Hà Nội vừa có Công văn yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục cần thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng) để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV những tháng còn lại của năm 2019, thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào Quỹ BHYT. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019 để gia hạn thẻ năm sau. Thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào Quỹ BHYT.
BHXH TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tính nhân văn, tính cộng đồng của chính sách BHYT, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHYT của HSSV theo quy định của Luật. Đồng thời, BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cho Quận, huyện ủy, UBND quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT và coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của HSSV.
Các địa phương đang tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác BHYT HSSV- Ảnh: ST |
Cụ thể, mức đóng BHYT cho 3 tháng, chi phí là 201.150 đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng, học sinh sinh viên đóng 140.805 đồng. Mức đóng BHYT cho 6 tháng sẽ là 402.300 đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng, học sinh- viên viên đóng 281.610 đồng. Mức đóng BHYT cho 9 tháng sẽ là 603.450 đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng, HSSV chỉ phải đóng 422.415 đồng. Mức đóng BHYT cho 12 tháng là 804.600 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, HSSV chỉ phải đóng 563.220 đồng).
Tại Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã có Công văn yêu cầu các nhà trường triển khai công tác BHYT HSSV; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tích cực vận động phụ huynh tham gia BHYT cho tất cả HSSV của trường.
Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị của cử tri đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng lưu ý, ngoài việc vận động toàn thể học sinh tham gia BHYT; các đơn vị, trường học không được khuyến khích học sinh mua bảo hiểm về chăm sóc sức khỏe mang tính chất thương mại.
Trước đó, BHXH Việt Nam đã có Công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV năm học 2019- 2020. Theo đó, yêu cầu BHXH các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo công tác BHYT HSSV, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT, coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của HSSV.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về BHYT vào thời điểm tháng 9 là tháng cao điểm phát động. Trong đó, tập trung truyền thông một số nội dung trọng tâm, trọng điểm về BHYT HSSV trước thềm năm học mới như: tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ của BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; phạm vi, quyền lợi khi tham gia BHYT HSSV, những HSSV được Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả chi phí lớn...
Cùng với đó, BHXH các địa phương cần phối hợp với cơ sở giáo dục phổ biến, triển khai hướng dẫn các HSSV cách tra cứu mã số BHXH; tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV ngoài phần kinh phí đã được ngân sách trung ương hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn…
Đ. KHOA