Để doanh nghiệp lớn càng lớn, "khó rời" Việt Nam

(BKTO) - Cùng với việc đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và phát triển doanh nghiệp (DN) Việt Nam dẫn dắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng đã dự kiến quy trình thực hiện chi hỗ trợ đầu tư từ Quỹ này.

ss.jpg
Cần chính sách hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp công nghệ lớn. Ảnh minh họa: ST

Cần kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn lớn đã đến Việt Nam khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang các quốc gia khác.

Đơn cử như LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó đã chuyển sang Indonesia; Tập đoàn Intel đã đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan.

Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo vào khảo sát, dự kiến đầu tư nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí, số lượng lao động công nghệ cao có sẵn, do đó họ đã chuyển sang Malaysia…

Trong khi đó, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đã có trao đổi chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Chẳng hạn, Tập đoàn Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ; LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD; SMC của Nhật Bản đang dự kiến đầu tư sản xuất thiết bị y tế trị giá 500 triệu - 1 tỷ USD tại tỉnh Đồng Nai; Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan) đang nghiên cứu mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Bởi các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp.

Nếu Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng DN sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác, đồng thời giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam - lãnh đạo Bộ KHĐT nhận định.

Hỗ trợ căn cứ vào các khoản chi của doanh nghiệp được kiểm toán

Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, cần thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và phát triển DN Việt Nam dẫn dắt, bởi Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Theo rà soát, đối tượng thuộc nhóm công nghệ cao được hưởng hỗ trợ dự kiến khoảng 22 DN, trong khi ước tính của Tổng Cục thuế cho thấy, số DN nộp thuế tối thiểu toàn cầu là 122 DN. Đồng thời, số thuế phải nộp bổ sung của 22 DN này chiếm khoảng 80% số thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Do đó, xét về tương quan thu - chi thì rủi ro thâm hụt ngân sách là thấp.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi thành lập, các khoản hỗ trợ từ Quỹ sẽ được căn cứ theo các khoản chi của DN trong năm 2024 theo Báo cáo tài chính có kiểm toán. Theo đó, khoản chi trả sẽ được xác định trong năm 2025.

Tuy nhiên, do thời gian DN hoàn thành Báo cáo tài chính có kiểm toán là 3 tháng sau khi kết thúc năm tài chính (tháng 3/2025), vì vậy, hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư của DN được nộp cho cơ quan chủ trì thẩm định tổng hợp sẽ được thiết kế sau thời điểm tháng 3/2025.

Căn cứ dự thu Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp số tiền dự kiến hỗ trợ cho DN vào dự toán chi cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư hằng năm để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi xem xét thông qua ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương.

Việc tổ chức thực hiện chi trả hỗ trợ sẽ được thực hiện qua hình thức chi trả trực tiếp từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư cho DN trong phạm vi tài chính hằng năm của Quỹ (dự kiến vào tháng 3/2026).

Trường hợp mức đề nghị hỗ trợ cao hơn so với khả năng của Quỹ Hỗ trợ đầu tư thì Hội đồng xét duyệt hỗ trợ sẽ đưa ra quyết định với 2 khả năng:

Một là, Hội đồng xét duyệt quyết định chỉ chi trả hỗ trợ trong khả năng của Quỹ và quyết định mức hỗ trợ cho từng DN. 

Hai là, Hội đồng xét duyệt đề xuất bổ sung ngân sách từ nguồn dự phòng để chi trả hỗ trợ theo mức ngân sách sau khi được bổ sung.

“Với quy trình này, thời gian lập dự toán chi đầu tư hỗ trợ cho DN sẽ diễn ra sau khi đã dự kiến được số thu thuế bổ sung tối thiểu toàn cầu” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.

Đồng thời, căn cứ vào quy trình trên có thể thấy thời gian thu thuế bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là 12 tháng sau khi kết thúc năm tài chính (theo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thời hạn nộp Tờ khai thông tin và nộp thuế thu nhập DN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính, dự kiến là tháng 12/2025), trong khi thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ là 15 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.

Như vậy, thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ đầu tư đảm bảo diễn ra sau thu thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và khoản chi chỉ trong phạm vi năng lực tài chính của Quỹ, không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước.

Bởi kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư được bố trí trong dự toán chi hằng năm của ngân sách trung ương theo nguyên tắc dựa trên khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Do vậy không có khả năng khoản chi vượt khoản thu - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết./.

Cùng chuyên mục
Để doanh nghiệp lớn càng lớn, "khó rời" Việt Nam