Điều hành kinh tế: Cần những quyết sách kịp thời để ứng phó với rủi ro

(BKTO) - Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: Kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trong ngắn hạn, triển vọng tăng trưởng khá tích cực. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan phải có những phản ứng chính sách phù hợp.

anh-10.jpg
Nền kinh tế được dự báo vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Ảnh minh họa

Tăng trưởng GDP chậm lại dù một số yếu tố được cải thiện

Bà Dorsati Madani nhận định: Do những khó khăn trong nước và bên ngoài, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2023. Năm nay, đặc biệt nửa đầu năm, những động lực từ bên ngoài sẽ yếu hơn một chút so với năm ngoái. Tại Hoa Kỳ và châu Âu, việc ưu tiên kiểm soát lạm phát sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua từ nước ngoài với hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại và hồi phục nền kinh tế nhưng mức độ phục hồi sẽ rất khó đoán định. Đây là rủi ro bên ngoài đối với cán cân thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, triển vọng tăng trưởng sẽ tích cực hơn, nhu cầu từ châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phục hồi tốt hơn và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng vững chắc hơn.

Kiểm toán là hoạt động rất quan trọng để các doanh nghiệp công bố thông tin kịp thời. Những thông tin kiểm toán sẽ giúp tăng cường niềm tin cho thị trường cũng như các nhà đầu tư

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới

Năm nay, tài khoản vãng lai dự kiến sẽ được cải thiện chủ yếu nhờ phục hồi của khu vực dịch vụ, du lịch và nguồn kiều hối để về Việt Nam. Đóng góp của ngân sách nhà nước đối với nền kinh tế dự kiến sẽ tốt hơn so với năm ngoái do tác động từ việc Chính phủ thực hiện kế hoạch tăng lương ở khu vực công.

Nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hợp phần đầu tư đã lên kế hoạch từ năm 2022 và Chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (với quy mô lên đến khoảng 1,6% GDP). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam một cách vững chắc trong thời gian tới. Cùng với đó, sự gia tăng của đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng GDP.

Dự kiến, lạm phát cả năm sẽ ở mức 4,5%. Con số này dựa trên giả định là cú sốc giá nhiên liệu hồi tháng 3/2022 vẫn chưa hết hẳn dư chấn. Tác động từ xung đột Ukraine - Nga sẽ khiến giá điện có thể tăng vào nửa cuối năm nay, gây ảnh hưởng đến giá cả thời gian tới. Hơn nữa, việc Chính phủ có kế hoạch tăng lương cho cán bộ khu vực công cũng sẽ tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến giảm còn 3,5% trong năm 2024 và 3% trong năm 2025, quay về các mức trước đại dịch.

Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phù hợp

Bên cạnh những yếu tố được dự báo là tích cực, theo bà Dorsati Madani, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Nếu lạm phát kéo dài ở châu Âu và Hoa Kỳ thì chính sách tiền tệ tại khu vực và quốc gia này sẽ còn bị thắt chặt hơn nữa. Điều đó có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động, gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính, tiền tệ, lĩnh vực xuất khẩu cũng như tăng trưởng của Việt Nam. Quá trình phục hồi không đồng đều hoặc không đầy đủ ở Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và diễn biến thương mại ở Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều yếu tố bất định, cơ quan chức năng cần cân nhắc giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ở Hoa Kỳ, Cục Dự trữ liên bang “hy sinh” tăng trưởng để kiểm soát lạm phát. Còn với Việt Nam, Chính phủ cũng cần xác định rõ mục tiêu đảm bảo cân bằng các yếu tố để điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa cho phù hợp.

Đối với chính sách tài khóa, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ hỗ trợ tăng trưởng, tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Đồng thời, thời gian tới, Việt Nam cần tăng hiệu quả chi tiêu thường xuyên để tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng GDP. Về chính sách tiền tệ, dư địa của chính sách này trong năm 2023 hạn chế hơn do nhiều hành động đã được thực hiện từ năm 2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể cân nhắc 3 lựa chọn: Tăng tính linh hoạt của tỷ giá; nâng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường khi cần thiết hoặc có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tăng cao thì điều này ảnh hưởng tới lương danh nghĩa, chi phí, giá thành sản xuất, từ đó, giảm động lực tiêu dùng và đầu tư trong nước. Do vậy, NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ hơn trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát. Điều quan trọng là đảm bảo thanh khoản để tránh biến động thị trường như hồi tháng 10 và tháng 11 năm ngoái.

Khu vực tài chính đã cho thấy một số điểm yếu dễ bị tổn thương. Những yếu kém trong khung chính sách và giám sát cũng như trong bảng cân đối tài sản của các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình có thể làm gia tăng rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách dài hạn với những cải cách quan trọng; cân nhắc thay đổi pháp lý, văn hóa, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến công tác giám sát các định chế tài chính. Khu vực tài chính cần tăng cường minh bạch bằng việc định kỳ công bố thông tin theo các chỉ tiêu về thị trường tài chính và khu vực ngân hàng một cách kịp thời, đầy đủ và chi tiết. Thiếu minh bạch thông tin và dữ liệu về khu vực ngân hàng có thể gây ra những biến động trên thị trường.

NHNN cần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cải cách các ngân hàng, tăng cường giám sát, hoàn thiện khung pháp lý để xử lý ngân hàng yếu kém hoặc mất khả năng thanh toán; tăng cường giám sát dựa trên rủi ro đối với các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại. Để phấn đấu trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tăng cường áp dụng các chuẩn mực, hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư./.

Cùng chuyên mục
  • Quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Để đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả nguồn vốn nhà nước, cùng với việc điều chỉnh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, cần bổ sung thêm các dự án khác có sử dụng vốn nhà nước. Đây là một trong những vấn đề cần quan tâm trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
  • An Giang kêu gọi đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhằm tạo quỹ “đất sạch”, sẵn sàng mặt bằng phục vụ cho thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh An Giang đang kêu gọi đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn tỉnh.
  • Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh dành hơn 453.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho doanh nghiệp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay, 20 ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng ưu đãi theo “Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” trên địa bàn Thành phố, với quy mô đạt 453.070 tỷ đồng.
  • Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Rà soát giá tính thuế tài nguyên nước theo pháp luật về thuế, giá
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Mặc dù tài chính về tài nguyên nước (TNN) đã được quy định trong Luật TNN năm 2012, tuy nhiên thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập. Theo đó, Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nội dung này. Giới chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế TNN theo quy định của pháp luật về thuế, giá.
  • Khủng hoảng ngân hàng và sự lựa chọn của FED
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chỉ trong vòng 10 ngày, Mỹ chứng kiến 2 ngân hàng ngừng hoạt đột và 1 ngân hàng trên bờ vực sụp đổ. Ở châu Âu, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ cũng vừa bị thâu tóm. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan.
Điều hành kinh tế: Cần những quyết sách kịp thời để ứng phó với rủi ro