Estonia: Việc bảo vệ thiên nhiên tại các khu bảo tồn còn bất cập

(BKTO) - Vừa qua, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Estonia (NAOE) đã công bố một Báo cáo kiểm toán chỉ ra những bất cập trong việc bảo vệ thiên nhiên tại các khu bảo tồn, đặc biệt trong việc cấp giấy phép khai thác gỗ.

Báo cáo cho thấy, giấy phép khai thác gỗ ở các khu bảo tồn được cấp mà không xem xét đến tác động đối với các mục tiêu về bảo tồn. Nhiều trường hợp giấy phép chặt đốn vi phạm các mục tiêu bảo tồn và không nêu rõ các hướng dẫn đối với việc bảo vệ loài hoặc môi trường sống.

797113he4c1t46.jpg
Rất ít thông tin về số lượng gỗ khai thác thực tế được thu thập. Ảnh sưu tầm

Ngoài ra, có rất ít hoặc không có thông tin nào được thu thập về các khu rừng được bảo vệ và số lượng gỗ khai thác thực tế tại đây. Hơn nữa, các tiêu chuẩn về bảo tồn đã được thay đổi để cho phép việc chặt hết cây trong các khu vực quản lý hạn chế, hành vi này trước đây đã bị cấm. Năm 2022, có tới 173 trong tổng số 189 hồ sơ xin dọn quang, chặt hết cây rừng trong các khu vực quản lý hạn chế đã được phê duyệt.

Để quản lý việc bảo tồn tự nhiên, cần phải có hiểu biết chính xác về số lượng rừng đã bị chặt phá khỏi các khu bảo tồn; tuy nhiên, Bộ Môi trường Estonia không thu thập dữ liệu này. Ngoài ra, các vấn đề được NAOE xác định 15 năm trước đây có liên quan đến thất bại trong việc duy trì các giá trị bảo tồn, thiết lập kế hoạch quản lý và đánh giá tác động của việc khai thác gỗ trong các khu rừng được bảo vệ vẫn chưa được giải quyết.

Ông Janar Holm, Tổng Kiểm toán Estonia nói: “Việc thu thập dữ liệu về môi trường đang tồn tại nhiều bất cập. Những dữ liệu này chỉ có giá trị nếu được cập nhật và được sử dụng đúng cách... Trong quá trình thực hiện kiểm toán, chúng tôi nhận thấy các khu vực cần được bảo vệ chưa được quan tâm đúng mức và những thông tin cần thiết chưa được thống kê để phục vụ công tác bảo tồn”.

NAOE cho biết thêm, tác động của việc khai thác gỗ trong rừng phòng hộ không được dẫn chứng bằng tư liệu hoặc đánh giá đầy đủ. Trong trường hợp khai thác gỗ tại các rừng phòng hộ, NAOE kiến nghị tổ chức lại cơ quan đăng ký sử dụng đất rừng để chủ đất phải lập hồ sơ chi tiết; ngoài ra chỉ nên cho phép đốn chặt trong các khu rừng được bảo vệ nếu tác động của việc chặt hạ đối với các giá trị tự nhiên được đánh giá trước khi cấp giấy phép chặt hạ; hoạt động khai thác gỗ phải được lập kế hoạch cho toàn khu vực và tác động lũy kế của việc đốn chặt phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi cấp giấy phép./.

Cùng chuyên mục
Estonia: Việc bảo vệ thiên nhiên tại các khu bảo tồn còn bất cập