Gỡ vướng trong kiểm toán việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng

PHẠM MINH TUẤN - KTNN chuyên ngành VII | 23/03/2023 16:49

(BKTO) - Thực tiễn cho thấy, việc kiểm toán để đánh giá công tác cấp hạn mức cho các tổ chức tín dụng (TCTD) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn còn những khó khăn do thiếu hướng dẫn. Bởi vậy, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần sớm hoàn thiện thủ tục kiểm toán đối với nội dung này để góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong giai đoạn hiện nay.

b.jpg
KTNN cần sớm hoàn thiện thủ tục kiểm toán việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Ảnh minh họa

Kiểm toán việc cấp hạn mức tín dụng vẫn còn những khó khăn

Những năm gần đây, bên cạnh việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, chính sách lãi suất, tỷ giá, NHNN còn đưa ra hạn mức tín dụng đối với các TCTD để có thể kiểm soát tổng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế. Do vậy, hằng năm, khi kiểm toán tại NHNN, bên cạnh việc kiểm tra, xác nhận các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, KTNN đã từng bước đi sâu phân tích, đánh giá việc xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, cấp hạn mức tín dụng cho từng TCTD, từ đó đưa ra khuyến nghị về công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, với những đổi mới trong phương pháp tiếp cận và mở rộng nội dung kiểm toán tại NHNN, KTNN đã có một số phát hiện giúp NHNN khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có việc cấp hạn mức tín dụng. Cụ thể, qua kiểm toán, KTNN nhận thấy vẫn có TCTD tăng trưởng tín dụng vượt quá mức hạn mức cho phép của NHNN. Công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chưa thực sự chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc NHNN trong việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn chậm, dẫn đến khi thực hiện giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng đã vượt chỉ tiêu được giao.

Thêm vào đó, quy định nội bộ của NHNN về việc phân bổ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng chưa xác định rõ các căn cứ làm cơ sở xây dựng phương án phân bổ mức tăng trưởng tín dụng và các nội dung, thời gian cụ thể cần phải thực hiện theo từng bước. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm dựa trên kết quả tạm xếp hạng các TCTD từ đầu năm. Tuy nhiên, khi có kết quả chính thức, NHNN chưa xem xét, cập nhật để điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và thực hiện kiểm toán việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng của NHNN vẫn còn những khó khăn. Hiện tại, Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng ban hành năm 2021 cũng chỉ mới giới thiệu và hướng dẫn kiểm toán một số công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: Nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, đánh giá công tác điều hành tỷ giá, quản lý dự trữ ngoại hối mà chưa có hướng dẫn tổng thể về thủ tục, phương pháp kiểm toán liên quan đến việc cấp hạn mức tín dụng của NHNN. Điều này dẫn đến khi tổ chức thực hiện, các đoàn kiểm toán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của các kiểm toán viên.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán khi lập kế hoạch kiểm toán tại NHNN cũng chưa có cơ sở để xác định và đưa ra các phương pháp, nội dung, thủ tục kiểm toán phù hợp; chưa xây dựng được tiêu chí kiểm toán trong việc đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của việc điều hành chính sách tiền tệ, dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra ý kiến đánh giá.

Cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, việc hoàn thiện thủ tục kiểm toán cấp hạn mức tín dụng cho các TCTD là một yêu cầu cần thiết khi đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, KTNN phải nghiên cứu, xây dựng nội dung, thủ tục kiểm toán, tiêu chí đánh giá phù hợp làm cơ sở cho các đoàn kiểm toán và kiểm toán viên tổ chức thực hiện kiểm toán. Để xây dựng khung pháp lý hướng dẫn công tác kiểm toán đánh giá việc điều hành cấp hạn mức tín dụng cho các TCTD của NHNN, KTNN cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kiểm toán NHNN, chắt lọc những kinh nghiệm thực tế trong công tác kiểm toán tại NHNN trong những năm qua.

KTNN cũng có thể mời các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, cán bộ của NHNN để trao đổi, tọa đàm chuyên môn; tăng cường công tác tập huấn cho các đoàn kiểm toán trước khi tổ chức kiểm toán, trao đổi truyền thụ các kinh nghiệm kiểm toán. Đồng thời, việc chủ động nghiên cứu, học hỏi, thu thập đầy đủ thông tin về các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của NHNN, tình hình phát triển kinh tế - xã hội... cũng giúp KTNN nắm rõ các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN từng thời kỳ, việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, làm cơ sở xây dựng các thủ tục, tiêu chí kiểm toán phù hợp.

Các nội dung, thủ tục, tiêu chí kiểm toán cần xây dựng phải tập trung đánh giá các nội dung: Việc tuân thủ quy trình về phân bổ, điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN; phân tích cơ sở NHNN xây dựng, giao, điều chỉnh hạn mức tín dụng của các TCTD; NHNN tổ chức theo dõi, giám sát hạn mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD; NHNN xử lý các vi phạm của các TCTD; tác động và hiệu quả của công tác điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc cấp hạn mức tín dụng cho các TCTD của NHNN; việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, khi tổ chức thực hiện kiểm toán, KTNN cần lựa chọn các kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức kinh tế vĩ mô, kinh nghiệm trong kiểm toán chính sách tiền tệ, có khả năng nghiên cứu để tham gia đoàn kiểm toán NHNN. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cho đoàn kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Gỡ vướng trong kiểm toán việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng