Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty được duy trì, phát triển

(BKTO) - Chiều 29/9, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) tổ chức Lễ chào mừng 5 năm thành lập (29/9/2018 - 29/9/2023) và đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

07.jpg
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Ảnh: CMSC

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh, sau 5 năm thành lập, UBQLV đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty; tổ chức xây dựng bộ máy hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị và quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ. 

Cụ thể, UBQLV đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; kịp thời kiện toàn và từng bước nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các Tập đoàn, Tổng công ty.

19 Tập đoàn, Tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.

Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh

So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước).

Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018).

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.

Đến năm 2023, ước tính về thị phần trong nước, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã đóng góp khoảng 48% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón.

Về khối lượng hàng hóa, dịch vụ, các Tập đoàn, Tổng công ty đã cung cấp cho nền kinh tế 242,7 tỷ kWh điện; 10,84 triệu tấn dầu thô; 8,08 tỷ m3 khí; 42,2 triệu tấn than sạch; 13,76 triệu m3 xăng dầu; 5,78 triệu tấn alumin; 1,8 triệu tấn ure; 30 nghìn tấn đồng tấm; 4,8 triệu tấn phân bón; 842 nghìn tấn hóa chất cơ bản; 2,3 triệu KWh ắc quy; 280 nghìn tấn chất giặt rửa; 3,7 triệu chiếc lốp ô tô; 25.025 tấn cao su và 41,6 triệu cây giống.

Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất; về khối vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách và 114,5 triệu tấn hàng hóa.

Ủy ban đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hướng dẫn, hỗ trợ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769 nghìn 969 tỷ đồng.

Qua quá trình hoạt động, các Tập đoàn, Tổng công ty những năm qua đã góp phần không nhỏ vào công tác thực hiện chính sách về lao động, việc làm của nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống người lao động, giải quyết việc làm tại địa phương và trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban 5 năm qua trong đó có sự chung tay, đồng lòng của lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

5 năm là chặng đường không dài, nhưng UBQLV đã vượt qua được chặng đường quan trọng, hết sức khó khăn để hôm nay cùng nhìn lại quá trình phát triển của Ủy ban, cũng như 19 Tập đoàn, Tổng công ty đang góp phần thực hiện sứ mệnh hết sức quan trọng là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, tuy mới được thành lập nhưng bước đầu Ủy ban đã đạt được kết quả tích cực trong kiện toàn mô hình tổ chức; vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty được duy trì, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Yêu cầu 19 Tập đoàn, Tổng công ty thông qua UBQLV nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thời gian tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; đẩy mạnh đầu tư, góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số...

Đồng thời tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.

Cùng chuyên mục
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty được duy trì, phát triển