Hình thành “tư duy kinh tế”, nâng cao giá trị, đóng góp của ngành nông nghiệp

Được coi là "trụ đỡ" của nền kinh tế, tập trung lượng lớn lao động, song ngành nông nghiệp vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, trong đó có vấn đề năng suất lao động còn thấp, sản phẩm nông nghiệp chưa tạo được giá trị cao… Do đó, yêu cầu đổi mới tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” đang là vấn đề bức thiết được đặt ra, từ đó mang lại đóng góp lớn hơn của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế.

dsc_6214-1600x1200-.jpg
Ngành nông nghiệp đang nỗ lực đổi mới, chuyển từ "tư duy sản xuất" sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Ảnh tư liệu

Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị thấp 

Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững. Đặc biệt, khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chưa đạt mục tiêu đề ra, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. So với các lĩnh vực kinh tế khác, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp vẫn rất thấp.

Trong đó, vấn đề nổi cộm là năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc; tính bền vững chưa cao, cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến phát triển chậm, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng còn thấp…

Theo GS,TS. Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm thấp nhất châu Á là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của nông dân thấp.

dsc_5347-1600x1200-.jpg
Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún làm hạn chế khả năng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

Còn theo ông Đỗ Minh Phương (Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ cùng nhau phát triển. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành còn ít... 

Vì vậy, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, tình trạng “được mùa mất giá”, phải “giải cứu” là minh chứng của một nền sản xuất chưa bền vững, rủi ro cao, dẫn đến kém khả năng cạnh tranh…

Trong khi đó, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, liên kết ngang trong sản xuất kinh doanh giữa nông dân với nông dân (dưới dạng tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã) chưa được phát huy, trong khi đây là hoạt động giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tiêu thụ ổn định sản phẩm. Vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012, sao cho nông dân thấy hợp tác xã thực sự là của họ, chứ không phải là một tổ chức của Nhà nước, qua đó để gia tăng sự liên kết ngay từ khâu sản xuất, chế biến sản phẩm.

Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.

- Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 -

Chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù được kỳ vọng lớn, song ngành nông nghiệp chưa thể tạo ra đột phá. Do đó, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để phát triển bứt phá, hướng đến thực hiện được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được ngành nông nghiệp xác định tập trung triển khai, đó là chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, tận dụng mọi nguồn lực, điều kiện thuận lợi, sẵn có của nông nghiệp để phát triển kinh tế, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất như trước đây.

dsc_5496-1600x1200-.jpg
Không chỉ chú trọng sản xuất, ngành nông nghiệp còn gắn với phát triển du lịch nông thôn theo định hướng mới.
Ảnh: N.Lộc

Theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam Trần Quý, để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dựa trên nền tảng công nghệ. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn, trong đó chú trọng đến yếu tố dự báo thị trường, cũng như triệt để thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng…

Theo ông Đỗ Minh Phương, cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cũng cần đổi mới, hội nhập hơn theo xu thế của thời đại. Theo đó, ngoài quan tâm đến sản lượng, phải tập trung vào tư duy kinh tế thị trường với quy luật cung - cầu, gắn nông nghiệp với các ngành dịch vụ khác như du lịch nông nghiệp, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng sẵn có, trong đó, người nông dân cần khẳng định và phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, là trung tâm của sự vận động, thay đổi đó.

“Người nông dân giờ không chỉ tham gia sản xuất trên đồng ruộng, mà còn có thể tham gia vào hoạt động quảng bá, phát triển du lịch, nghiên cứu thị trường” - ông Phương cho biết và nhấn mạnh, muốn làm được điều này, người nông dân cần phải được đào tạo, thay đổi từ tư duy và từng bước xây dựng thế hệ nông dân có tri thức.

Khẳng định sự chuyển mình trong từng lĩnh vực sẽ góp phần tạo sự chuyển biến chung của ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi sang tư duy kinh tế, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nông nghiệp ngoài giá trị nông sản là chính, thì giờ phải tích hợp cả kinh tế tuần hoàn, với phát triển du lịch...

Muốn làm được như vậy, cần chú trọng bảo tồn, phát triển các làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch sinh thái; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân và nhu cầu phát triển du lịch../.

Cùng chuyên mục
Hình thành “tư duy kinh tế”, nâng cao giá trị, đóng góp của ngành nông nghiệp