Sáng 21/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đất ở tại đô thị thông qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Huỳnh Hữu Thọ (KTNN khu vực VII) và ThS. Dương Thanh Hải (KTNN khu vực I) đồng chủ nhiệm.
GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.
Theo ThS. Huỳnh Hữu Thọ, việc quản lý và sử dụng đất đai nói chung, đất ở đô thị nói riêng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm luôn là vấn đề quan trọng có tính chiến lược, lâu dài ở nước ta. Trong đó, đóng vai trò quyết định là hệ thống cơ chế, chính sách trong quản lý và sử dụng đất đai đô thị.
Với nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong những năm qua, KTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về việc quản lý, sử dụng đất đô thị hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đô thị trong nhiều cuộc kiểm toán khác.
Chẳng hạn như: chuyên đề kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đô thị ở một số địa phương; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa; kiểm toán nội dung quản lý sử dụng đất ở một số dự án phát triển đô thị; kiểm toán việc sử dụng đất để thanh toán đối ứng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); kiểm toán công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa phương giai đoạn 2017-2021; chuyên đề quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng…
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra những kết luận, kiến nghị về chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tăng thu ngân sách, bước đầu đã đưa ra được một số kiến nghị quan trọng, có chất lượng về sửa đổi cơ chế chính sách về quản lý sử dụng đất đai, giúp cho các địa phương khắc phục hạn chế, sai sót và có biện pháp bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong giao đất, xác định giá đất, sử dụng đất đô thị…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xét một cách tổng thể, những kiến nghị của KTNN trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất ở đô thị còn mang tính đơn lẻ, tập trung chủ yếu ở từng địa phương và tập trung vào xử lý, khắc phục hạn chế ở một số vấn đề cụ thể dưới góc độ của cơ quan kiểm tra, kiểm soát.
Số lượng và tính chất các kiến nghị cơ chế, chính sách còn chưa nhiều, chưa đáp ứng được mục tiêu và thực tiễn. Chính vì vậy, hiệu quả hiệu lực của các kiến nghị về cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai của KTN chưa tập trung và thống nhất.
Từ thực trạng trên, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn, đồng thời thông qua việc phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kết quả kiểm toán để đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đất ở đô thị một cách thống nhất, cụ thể, có hiệu quả. Đồng thời, tổng kết kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm toán, tăng cường vai trò, trách nhiệm của KTNN trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có đất ở đô thị.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá, Đề tài đã làm rõ và hệ thống hóa những vấn đề lý luận về đất đai và quản lý, sử dụng đất ở đô thị; phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất ở đô thị; kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất ở đô thị của KTNN.
Từ đó, Đề tài đã đề xuất được 9 giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất ở đô thị. Đây là những kiến nghị quan trọng cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách về quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất ở đô thị nói riêng.
Đề hoàn thiện Đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu, rà soát và đối chiếu lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, trong đó có các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bổ sung các nội dung lý luận về công tác quản lý nhà nước về đất đai như: cấp quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, công tác bảo vệ và khôi phục môi trường…
Ngoài ra, nhóm tác giả cần nghiên cứu kinh nghiệm một số SAI trên thế giới về kiểm toán quản lý, sử dụng đất ở đô thị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về quản lý, sử dụng đất ở đô thị cho Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc họp, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó tập trung chỉ rõ những vấn đề còn bất cập, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn của cơ chế chính sách thông qua kết quả kiểm toán, từ đó có những kiến nghị, giải pháp cụ thể, đặc biệt là về: quy hoạch sử dụng đất ở, giao đất, thuê đất, thu hồi, bồi thường, chuyển đổi, đấu thầu…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.