Hoàn thiện quản lý đầu tư công thông qua kết quả kiểm toán

(BKTO) - Việc quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Trong quá trình đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) với chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công đã có những đóng góp nhất định vào việc cải tiến, nâng cao năng lực quản lý đầu tư công.

pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-ha-thi-my-dung-chu-tri-cuoc-hop-hoi-dong-nghiem-thu-.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung gợi mở một số nội dung cho Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 26/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì cuộc họp Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp bộ “Hoàn thiện quản lý đầu tư công thông qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Mai Văn Quang (KTNN khu vực XI) và ThS. Trần Quang Huy (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) đồng chủ nhiệm.

Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban Đề tài.

quang-canh-cuoc-hop(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Trần Quang Huy, công tác quản lý đầu tư công của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: hoàn thiện được khung khổ pháp lý về quản lý đầu tư công; từng bước xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; hiệu quả đầu tư công được cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới giảm dần; việc xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững...

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý đầu tư công vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư công chưa tốt; trật tự ưu tiên bố trí vốn chưa được đảm bảo, còn dàn trải, thiếu tập trung; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa được đảm bảo; nhiều hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Những hạn chế nêu trên đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về thực trạng công tác quản lý đầu tư công, từ đó xác định vai trò và định hướng hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư công Việt Nam.

ban-de-tai-trinh-bay-ket-qau-nghien-cuu.jpg
ThS. Trần Quang Huy trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về quản lý đầu tư công và kiểm toán công tác quản lý đầu tư công của KTNN; Tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý đầu tư công qua kết quả kiểm toán của KTNN. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý đầu tư công.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao trong công tác quản lý đầu tư công nói chung và công tác kiểm toán đầu tư công nói riêng. Để đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm khu đề nghị Ban đề tài bổ sung các nội dung quản lý đầu tư công (quản lý nguồn vốn, quản lý việc lựa chọn dự án và chương trình đầu tư công, quản lý việc nghiệm thu, bàn giao, quyết toán dự án…); phân tích bổ sung cơ chế tác động của đầu tư công đến các mặt của nền kinh tế, xã hội.

ts.-le-dinh-thang-kiem-toan-truong-ktnn-chuyen-nganh-ii-gop-y-voi-ban-de-tai.jpg
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II góp ý với Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cần bổ sung vai trò của KTNN đối với việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính về đầu tư công; chỉ rõ các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công của KTNN đến các cơ quan có chức năng và các kết quả nổi bật về việc thực hiện các kiến nghị để làm nổi bật hơn vai trò của KTNN trong hoàn thiện chính sách về quản lý đầu tư công.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề: xác định rõ vai trò của KTNN trong công tác quản lý đầu tư công; nêu bật những kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán về đầu tư công, đặc biệt là kiến nghị về cơ chế, chính sách.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện quản lý đầu tư công thông qua kết quả kiểm toán