Lao động mất việc làm gia tăng do đâu?
Tại TP. Hồ Chí Minh, gần 1.200 lao động của Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu (đóng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, 100% vốn nước ngoài) sẽ phải thôi việc từ ngày 01/12/2022 do Công ty không có đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất.
Còn theo Công đoàn cơ sở Khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn, 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến gần 6.000 lao động.
Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP. Hồ Chí Minh đã nhận được phương án sắp xếp lại lao động của 22 doanh nghiệp với tổng số 1.643 lao động bị cắt giảm, chủ yếu ở ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.
Do số lượng đơn hàng sụt giảm, mới đây, Công ty TNHH An Giang SAMHO buộc phải thông báo có khoảng 5.300 công nhân đã và sẽ bị mất việc làm từ nay tới cuối năm.
Tương tự như một số tỉnh, thành trên, nhiều tháng vừa qua, không ít doanh nghiệp tại Bình Dương đang hoạt động chỉ từ 30 - 50% công suất. Tính từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh có đến 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, hiện tượng một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường, điều này đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp.
Song theo các chuyên gia, đây chỉ là yếu tố rất nhỏ, nguyên nhân sâu xa chính là chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất kinh doanh như hiện nay đang đặt ra thách thức cho thị trường lao động Việt Nam với trình độ kỹ năng của lao động còn nhiều hạn chế. Vì thế, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đề cập về vấn đề chất lượng lao động hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về chất lượng nguồn nhân lực do tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của Tập đoàn Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới - ManpowerGroup); năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng lực ngoại ngữ hạn chế…
“Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Nâng cao tay nghề và đảm bảo an sinh cho người lao động
Trước bối cảnh nhiều lao động mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm hiện nay, các chuyên gia cho rằng, để giữ ổn định nguồn nhân lực cũng như sản xuất, các doanh nghiệp cần mở các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số tác động đến cơ cấu việc làm và lao động dồi dào, giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội mới trên thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội chuyển đổi số; Chính phủ phải có những quyết sách linh hoạt, kịp thời và số hóa hình thức quản lý.
Báo cáo của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đến nay, có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Bên cạnh đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động dưới tác động của chuyển đổi số cũng là một vấn đề cần được quan tâm.
Kết quả khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy một tỷ lệ rất nhỏ người được hỏi (khoảng 20%) trong số những người lao động làm việc trên nền tảng số cho biết họ được bảo hiểm về thương tật, thất nghiệp hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí tuổi già (bao gồm cả chương trình hưu trí công và tư).
Trước thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng lao động phải là một đầu vào của nền kinh tế và muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất, các doanh nghiệp phải có nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bền vững, làm chủ được công nghệ.
Đặc biệt, “cần có cơ chế kiến tạo, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao nhất để chính họ trở thành nguồn động lực phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh./.