Khắc phục những hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(BKTO) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nổi trội, đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

3(2).jpg
Ngành nông nghiệp Thủ đô cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: hanoi.gov.vn

Khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao; tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước.

Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô. Đồng thời, xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn; thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực.

Dự thảo Luật cũng đưa ra các giải pháp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: giao cho Chính quyền Thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm; Hà Nội được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.

Ngoài ra, Thành phố Hà Nội cũng sẽ được quyền quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.

Tạo bước đột phá, khác biệt cho phát triển nông nghiệp

Thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết, việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn.

Trong đó, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho thành phố.

“Dù phát triển đô thị đến mấy cũng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần phải nhận thức rõ về quan điểm, mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội, không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh, thành phố khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.

Thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt hay tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt có thể sử dụng trồng trọt vô cùng giá trị này; bổ sung quy định tỷ lệ cây xanh, mặt nước đối với các khu đô thị mới, bổ sung quy định rõ về duy tu, đưa ra quy định quản lý và phát triển nhằm tăng tỷ lệ cây xanh ở các khu đô thị đã hình thành…/.

Cùng chuyên mục
Khắc phục những hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn