Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
Chiều 10/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền.
Lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Cùng với đó, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.
Đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đổi mới phương thức hoạt động của HĐND Thành phố và HĐND quận, thị xã để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả.
Về số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Về vùng Thủ đô, một số ý kiến cho rằng việc xác định vùng Thủ đô trong dự thảo Luật đang có sự đan xen, chồng lấn với phạm vi của một số vùng phát triển kinh tế - xã hội hiện có. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, Dự thảo Luật cần tập trung quy định về mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương của các tỉnh giáp ranh nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, cần cho phép các địa phương có quan hệ liên kết vùng với Thủ đô được áp dụng một số chính sách đặc thù như Thành phố Hà Nội để bảo đảm hỗ trợ phát triển Thủ đô một cách thuận lợi, có hiệu quả.
Về cơ chế thu hút nhân tài, Thành phố Hà Nội cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả các quy định trong luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành với chính quyền Thành phố khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; vai trò của chính quyền Thành phố và cơ chế xử lý trong trường hợp giữa Bộ, ngành và chính quyền có ý kiến khác nhau về nội dung của chính sách.