Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2023-2030, trong đó đề ra những định hướng lớn trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng và phía Nam về hội nhập quốc tế, định hướng và trao đổi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả công tác hội nhập.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đây là địa phương có hoạt động thương mại trao đổi đầu tư lớn nhất cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt trên 3,94 tỷ USD.
Thành phố đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp của Thành phố nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này còn một số mặt hạn chế. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng.
Các vấn đề triển khai trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường đã dẫn đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nhằm đảm bảo việc hội nhập quốc tế đạt hiệu quả, không chỉ các doanh nghiệp chủ động mà các hiệp hội, ngành hàng, đơn vị cũng cần có chức năng đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cấp Bộ, ngành trao đổi về các xu hướng phát triển mới và dự báo tình hình kinh tế thế giới trong tương lai; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP và định hướng công tác hội nhập trong thời gian tới ở các địa phương phía Nam; những yêu cầu, tiêu chuẩn mới từ các thị trường đối tác và tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đoàn công tác liên ngành từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm khó khăn liên quan và giải pháp khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, Hội ngành hàng và địa phương trong quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA thế hệ mới.
Sau Hội nghị, Ban Tổ chức tổng hợp, nghiên cứu, phân tích những thảo luận từ đại diện Ban Hội nhập kinh tế quốc tế các tỉnh, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, từ đó đề xuất với Chính phủ, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và bộ, ngành Trung ương giải pháp tháo gỡ các vấn đề bất cập trong quá trình thúc đẩy phát triển hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA./.