Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức, hội nghề nghiệp…; cùng đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, là nguồn lực quý giá nếu được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững luôn là vấn đề xuyên suốt trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, nhu cầu về sử dụng đất đai để phục vụ sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn hạn chế, văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm thống nhất và đồng bộ.
Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các dự án chậm tiến độ, thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. Qua đó nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, KTNN đã và đang thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về việc tuân thủ quy định pháp luật, KTNN đã phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp.
Bên cạnh đó, KTNN cũng từng bước đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai mới dừng ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đi sâu kiểm tra, phân tích, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
“Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ “bức tranh” quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập về cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng đất đai và vai trò của KTNN trong vấn đề này” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, Hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu.
Một là, đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong công tác quản lý, giám sát từ góc nhìn pháp luật, chính sách; tính hiệu quả và bền vững trong quản lý, sử dụng đất đai.
Hai là, xác định rõ vai trò của KTNN đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; đánh giá thực trạng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua, nhận diện được những mặt đã làm được, những hạn chế cần khắc phục.
Ba là, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai, qua đó nâng cao chất lượng các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương trong công tác giám sát, quản lý, sử dụng đất đai.
Bốn là, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nhà nước về đất đai cũng như các phương pháp kiểm toán, cách tiếp cận của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin về những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo./.