Kiểm toán nhà nước đồng hành kiến tạo Thủ đô năng động, văn minh, hấp dẫn nhà đầu tư

(BKTO) - Từ sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đối với những vấn đề mới, vấn đề khó, nổi cộm trên địa bàn, KTNN đã và đang đồng hành cùng chính quyền TP. Hà Nội xây dựng, kiến tạo Thủ đô ngày càng năng động, văn minh; tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Đây là chia sẻ, đánh giá của ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội khi trao đổi với Báo Kiểm toán.

anh-sang.jpg
Ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội. Ảnh: N. LỘC

Thưa ông, từ sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với TP. Hà Nội, kết quả kiểm toán đã mang lại lợi ích gì cho Thành phố, đặc biệt là trong việc quyết định dự toán, phân bổ quản lý và điều hành ngân sách?

Trong những năm qua, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác lập, quản lý, chấp hành và sử dụng ngân sách của các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách. Trên cơ sở các Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương hằng năm, Sở Tài chính đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị trực thuộc có liên quan rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính, ngân sách, quản lý nhà nước một số lĩnh vực của địa phương. Đồng thời, điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, các quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân sách đã ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố quản lý, điều hành ngân sách của địa phương chủ động, linh hoạt và đảm bảo cân đối ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN.

Cụ thể, từ các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Sở Tài chính đã tham mưu UBND Thành phố quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo thời gian theo quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thu hồi tạm ứng chi đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản chi chuyển nguồn; chỉ đạo các đơn vị thực hiện trích lập, sử dụng nguồn cải cách tiền lương...

Có thể nói, KTNN đã giúp Thành phố kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý tài chính, ngân sách; đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả trong sử dụng tiền, tài sản của nhà nước. KTNN đã và đang là “người bạn” đồng hành của các địa phương, các đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

anh-sang1.jpg
Ông Nguyễn Xuân Sáng. Ảnh: N. LỘC

 Tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021, Đoàn kiểm toán có ý kiến: “Chấn chỉnh trong việc tham mưu, quyết định giao định mức chi hoạt động cho các lao động hợp đồng thuộc đối tượng của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (nguồn chi quản lý hành chính cho các đơn vị được giao quyền tự chủ) chưa phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 71/2014/TT-BTC-BNV”. Căn cứ kiến nghị của KTNN, Sở Tài chính đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022, trong đó đã quy định cụ thể định mức chi hoạt động cho các lao động hợp đồng thuộc đối tượng của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Qua quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã giúp các cơ quan đơn vị trên địa bàn Thành phố ổn định chi hoạt động, góp phần tinh giản biên chế, khuyến khích thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Với vai trò là đầu mối được giao theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Thành phố, Sở Tài chính đã có những động thái nào để đôn đốc, thúc đẩy các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán, thưa ông?

Thời gian qua, Sở Tài chính được lãnh đạo UBND Thành phố giao làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề do số lượng các đơn vị được kiểm toán hàng năm rất lớn, số kiến nghị kiểm toán cần theo dõi, đôn đốc thực hiện cũng nhiều tương ứng. Tuy nhiên, Sở Tài chính cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và được lãnh đạo UBND Thành phố ghi nhận.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của Sở Tài chính đạt tỷ lệ 98,2% - sau chưa đầy 01 năm kể từ khi báo cáo kiểm toán được ban hành. Điều này đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Sở trong việc hiện kiến nghị kiểm toán, cũng như qua đó cho thấy ý nghĩa, sự cấp thiết phải thực hiện kiến nghị kiểm toán kịp thời, đầy đủ.

Ngay sau khi có các kết luận, kiến nghị của KTNN, Sở Tài chính đã chủ động tổng hợp tham mưu UBND Thành phố phân công cụ thể nhiệm vụ cho các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để tổ chức triển khai thực hiện; trong đó yêu cầu từng đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo kết luận kiểm toán, gửi Sở Tài chính kết quả thực hiện để tổng hợp tham mưu UBND Thành phố báo cáo KTNN. Sở Tài chính đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở liên tục đôn đốc các đơn vị được kiểm toán nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ do UBND Thành phố giao, tích cực phối hợp và nghiêm túc triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, Sở Tài chính đã phối hợp các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và KTNN khu vực I để rà soát kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, Sở Tài chính thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu của KTNN và UBND Thành phố.

Bên cạnh đó, để thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và hạn chế số lượng các đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện kiến nghị của KTNN, Sở Tài chính đã tham mưu UBND Thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu quyết định thanh tra trách nhiệm công vụ đối với các đơn vị chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.

Đối với nội dung kiến nghị của KTNN mà Sở Tài chính được giao chủ trì thực hiện, căn cứ chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Tài chính đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị thuộc Sở khẩn trương triển khai kết luận, kiến nghị của KTNN.

Qua triển khai đôn đốc, thực hiện kiến nghị kiểm toán, ông có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu - chi ngân sách, quản lý thu thuế của Thành phố?

Trong thời gian qua các kết luận, kiến nghị của KTNN đã hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức thu, quản lý chi ngân sách của Thành phố. Để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho Thành phố, chúng tôi mong muốn KTNN tiếp tục chủ động, hoặc phối hợp thực hiện một số nội dung.

dsc_4737.jpg
TP. Hà Nội đã chủ động "đặt hàng" KTNN vào cuộc với những vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có trong thực tiễn. Ảnh Tư liệu

Một là, cần có cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc UBND Thành phố quản lý. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND Thành phố các giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị.

Hai là, đề nghị KTNN tháo gỡ khó khăn đối với các kiến nghị kiểm toán không có khả năng thực hiện được với nguyên nhân khách quan (liên quan đến đối tượng thực hiện không còn hoạt động; kiến nghị từ nhiều năm trước nhưng nội dung chưa rõ ràng cụ thể); đồng thời xem xét để ghi nhận kết quả thực hiện của các đơn vị.

Đối với các kiến nghị đã thực hiện nhưng chưa được ghi nhận đề nghị KTNN trong quá trình kiểm tra việc thực hiện kiến nghị có hướng dẫn để các đơn vị bổ sung hồ sơ xác nhận với các cơ quan có liên quan (Kho bạc nhà nước, Cục Thuế…) để ghi nhận kết quả thực hiện.

Ba là, trong thời gian qua, UBND Thành phố đã “đặt hàng” với KTNN những việc khó, những vấn đề nổi cộm, như: kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nhà máy nước mặt Sông Đuống; kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội… Thông qua việc thực hiện kiến nghị kiểm toán thời gian qua đã góp phần giúp Thành phố nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ công từ đó tạo không gian “đáng sống” của một Thủ đô năng động, văn minh; tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, kiến tạo, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Do đó, chúng tôi đề nghị KTNN trong thời gian tới tiếp tục nhận “đặt hàng” của UBND Thành phố để thực hiện kiểm toán đối với những nhiệm vụ mới, khó, những mảng vấn đề nổi cộm chưa có trong thực tiễn… để Thành phố có cơ sở quyết định theo thẩm quyền, đặc biệt là đối với các vấn đề về cơ sở tính giá trị dự án, cơ sở tính giá dịch vụ công ích cũng như giá trị doanh nghiệp nhà nước để thực hiện cổ phần hóa.../.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước đồng hành kiến tạo Thủ đô năng động, văn minh, hấp dẫn nhà đầu tư