Kiểm toán nhà nước góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai

H.THOAN - D.THIỆN - N.LỘC | 21/12/2022 13:38

(BKTO) - Cùng với việc tập trung làm rõ những bất cập, hạn chế, lỗ hổng chính sách trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước” diễn ra sáng 21/12, các chuyên gia, đại biểu còn đề cập đến những phát hiện kiểm toán chủ yếu và nhấn mạnh vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đối với vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách.

ht-quang-canh-3.jpg
Hội thảo khoa học “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước” do KTNN tổ chức sáng 21/12. Ảnh: N.LỘC

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, qua kiểm toán cho thấy, thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai đã từng bước được tăng cường.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật còn những kẽ hở, việc sử dụng nguồn lực đất đai có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 41 văn bản quy phạm pháp luật và 22 văn bản khác do các cơ quan Trung ương, địa phương ban hành; phát hiện và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất.

Đáng chú ý, KTNN đã phát hiện việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không phù hợp quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2000 dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.

Mặt khác, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt số tầng và chiều cao theo quy định, tăng diện tích sàn… Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư…

Đối với công tác giao đất, còn trường hợp không đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư; giao đất không đúng đối tượng; còn nhiều tồn tại trong điều chỉnh mục đích sử dụng đất như không đúng thẩm quyền, vượt diện tích so với hạn mức, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.

Cùng với đó, KTNN cũng phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế về xác định giá đất; quản lý, sử dụng đất…

Qua thực tiễn kiểm toán công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất công và các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của Nhà nước của KTNN khu vực XIII và các đơn vị trong Ngành, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII cũng cho biết, bên cạnh các địa phương, đơn vị tuân thủ các quy định trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị không tuân thủ đầy đủ các quy định có liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của Nhà nước.

Cụ thể là không thực hiện đầy đủ các thủ tục niêm yết thông tin và thông báo thông tin về cuộc đấu giá. Có trường hợp đơn vị chỉ niêm yết thông tin tại nơi tổ chức đấu giá, không niêm yết tại nơi có tài sản và tại trụ sở ủy ban nhân dân xã/phường nơi có cơ sở nhà đất đưa ra đấu giá theo đúng quy định. Việc đăng thông báo thông tin đấu giá chỉ đăng 02 lần trên báo địa phương và không đăng thông báo trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản theo đúng quy định, do hiểu chưa đúng về quy định đăng thông báo, từ đó dẫn đến hạn chế người tham gia đấu giá, giá trúng đấu giá chưa chắc đã là giá thị trường.

Bên cạnh đó, việc thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể làm giá khởi điểm để đấu giá đất chưa tuân thủ các quy định có liên quan. Trong đó, đối với kết quả thẩm định giá theo phương pháp so sánh trực tiếp, hiện nay có hiện tượng phổ biến là các thẩm định viên sử dụng Phiếu điều tra thông tin về kết quả giao dịch thành công trên thị trường, nhưng hầu hết các Phiếu điều tra thông tin đều không được người cung cấp thông tin ký xác nhận nên giá trị pháp lý của các Phiếu điều tra này là một vấn đề cần được lưu ý.

Đối với kết quả thẩm định giá đất cụ thể theo phương pháp thặng dư, theo phương pháp này, giá trị quyền sử dụng đất sẽ được xác định bằng tổng doanh thu phát triển trừ tổng chi phí tạo ra doanh thu phát triển và lợi nhuận nhà đầu tư (sau khi đã chiết khấu về giá trị hiện tại).

Tuy nhiên, việc xác định doanh thu phát triển của nhiều trường hợp không chính xác, hiện tượng phổ biến là tư vấn thẩm định giá khảo sát mức giá chuyển nhượng nhà, căn hộ, đất nền đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng của các dự án tương tự trong khu vực tại thời điểm thẩm định giá. Trong khi các sản phẩm của dự án lại được bán trong tương lai nhưng tư vấn thẩm định giá không căn cứ theo mức biến động giá đất thị trường những năm trước để ước tính và điều chỉnh yếu tố biến động giá đất thị trường từ thời điểm thẩm định giá đến thời điểm bán được sản phẩm của dự án trong tương lai.

Về giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, theo quy định hiện nay, đối với các khu đất có giá trị tính theo giá đất trong Bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng trở lên với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng trở lên đối với tỉnh còn lại sẽ xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá. 

Các khu đất đấu giá để cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm thuộc trường hợp này thì giá khởi điểm cũng xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá. Tuy nhiên, hiện nay, hệ số điều chỉnh giá do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang ban hành chỉ từ 1,1 đến 2,0 và thường thấp hơn khá nhiều so với giá đất cụ thể xác định theo các phương pháp so sánh, chiết trừ, thu nhập, thặng dư.

Thực tế này dẫn tới tình trạng cùng một tuyến đường, lô đất có giá trị dưới ngưỡng quy định được nộp tiền sử dụng đất hoặc trả tiền thuê đất thấp hơn nhiều so với lô đất có quy mô lớn hơn ngưỡng quy định, trong khi các lô đất có giá trị nhỏ hơn thì được định giá cao hơn các khu đất lớn hơn, do có tính thanh khoản cao hơn.

Như vậy, khu đất nhỏ hơn lại có giá thấp hơn khu đất quy mô lớn hơn là không bình thường, trái quy luật thị trường. Điều này cũng trái với nguyên tắc quản lý nhà nước về giá đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai: “Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau”.

Cùng với đó, KTNN cũng phát hiện nhiều bất cập về điều kiện tham gia đấu giá, hình thức đấu giá, thu nộp tiền sử dụng đất của người trúng đấu giá…

Nhấn mạnh cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, nhiệm vụ chung của KTNN là kiểm toán tính hợp pháp và tính nguyên tắc của công tác quản lý, sử dụng đất đai thông qua loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Qua đó nhằm ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ giám sát, quản lý và điều hành hoạt động quản lý và sử dụng đất đai; tư vấn cho Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân hoàn thiện các văn bản pháp luật quản lý, sử dụng đất đai cho chặt chẽ, hiệu lực và hiệu quả.

ht-ong-doan-xuan-tien.jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu. Ảnh: N.LỘC

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới, theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, KTNN cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai; áp dụng hiệu quả phương pháp kiểm toán dựa trên tiếp cận rủi ro và xác định trọng yếu; đổi mới phương thức kiểm toán linh hoạt và dần ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kiểm toán...

Đặc biệt, hàng năm, KTNN cần nghiên cứu, thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình quản lý và sử dụng đất đai toàn quốc và các địa phương; phân tích, đánh giá rủi ro, trọng yếu trong quản lý và sử dụng đất đai của các địa phương, Bộ, ngành, đơn vị; chủ động xây dựng, quyết định kế hoạch kiểm toán về vấn đề đất đai và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện…

"Ngoài ra, KTNN cần rà soát và giải quyết dứt điểm các vấn đề về kết luận, kiến nghị xử lý kiểm toán từ những năm trước về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai chưa thực hiện được, để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán của KTNN" - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai