Hậu quả nặng nề của thảm họa cháy rừng
Cháy rừng là một trong những thảm họa tồi tệ nhất Hoa Kỳ phải đối mặt. Các yếu tố như biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý đất đai, quản lý rừng yếu kém đang góp phần đáng kể làm tăng tần suất và cường độ của các cuộc cháy rừng.
Điển hình, tháng 7/2023, khói từ các vụ cháy rừng ở miền Tây Hoa Kỳ và Canada đã khiến chất lượng không khí rơi vào mức báo động, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân TP. New York và Washington, D.C. trong nhiều ngày sau đó.
Nạn cháy rừng ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng trên toàn Hoa Kỳ. Quốc gia này đã trải qua những đợt cháy rừng với thời gian kéo dài hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tháng 8/2023, trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong hơn một thế kỷ xảy ra trên đảo Maui ở bang Hawaii, tàn phá thị trấn Lahaina, cướp đi sinh mạng của 100 người, khiến gần 10.000 người sống sót phải di dời, làm hư hại hơn 2.000 công trình kiến trúc…
Đại diện FEMA cho biết, cháy rừng không còn xảy ra theo mùa mà có thể đến bất cứ lúc nào, chúng đang đe dọa sinh mạng và hủy hoại tài sản của đất nước. Hoa Kỳ đã phải chiến đấu với các vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trong những năm gần đây.
Năm 2022, FEMA từng công bố một báo cáo và cho biết, các vụ cháy rừng là nguyên nhân khiến 62% số công trình bị phá hủy trong 15 năm qua.
Trước tình trạng trên, GAO đã tiến hành xem xét các chính sách, thủ tục và hướng dẫn liên quan của Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA) liên quan đến cháy rừng; thực hiện chuyến thăm thực địa tới Hawaii để đánh giá các nỗ lực ứng phó và phục hồi sau thảm họa cũng như phỏng vấn các lãnh đạo của FEMA. Qua kiểm toán, GAO đã xác định những thách thức các cơ quan liên bang phải đối mặt, đặc biệt là công tác ứng phó và phục hồi sau cháy rừng.
FEMA phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương sau các đợt cháy rừng, như việc đảm bảo nhà ở tạm thời cho người dân, vệ sinh các khu vực bị ô nhiễm, khôi phục các công trình và cảnh quan, môi trường...
Trong những năm qua, FEMA đã chi các khoản tài trợ khổng lồ cho cộng đồng các tiểu bang và địa phương để giúp họ tăng cường khả năng phục hồi, cải thiện môi trường sau các thảm họa cháy rừng.
Ban lãnh đạo FEMA cho biết, rào cản đối với việc tuyển dụng và giữ chân lực lượng cứu hỏa tại nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đất hoang dã, của Liên bang là mức lương thấp và ít cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.
Mặc dù Quốc hội đã có chính sách tăng lương cho đến năm tài chính 2026 nhưng FEMA cho rằng vẫn cần có các giải pháp dài hạn và hiệu quả hơn để củng cố nhân sự trong lĩnh vực này.
Cần nỗ lực phục hồi hậu quả sau thảm họa
Trong những năm gần đây, GAO đã đưa ra nhiều khuyến nghị giúp các bộ, ngành, địa phương cải thiện sự phối hợp trong việc quản lý rủi ro từ cháy rừng và trong các nỗ lực phục hồi sau thảm họa của Liên bang.
Vào tháng 3/2023, GAO đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và các cơ quan quản lý đất đai trong việc giảm thiểu rủi ro từ ô nhiễm không khí, giảm thiểu ảnh hưởng từ khói cháy rừng tới sức khỏe cộng đồng. Tính đến tháng 3/2024, có 4/6 khuyến nghị chính đã được giải quyết một phần và hiện vẫn đang được thực hiện.
Trước đó, vào tháng 11/2022, GAO đã báo cáo về sự phối hợp lỏng lẻo trong việc khắc phục hậu quả sau thảm họa của hơn 30 cơ quan liên bang và ít nhất 32 Ủy ban của Quốc hội. GAO khuyến nghị các cơ quan cần khẩn trương xác định và thực hiện các bước cụ thể để có sự phối hợp tốt hơn.
Quốc hội cần xem xét thành lập một ủy ban độc lập có nhiệm vụ đề xuất lên chính quyền trung ương các phương án khắc phục sau thảm họa. Ủy ban này có thể thực hiện nhiệm vụ xem xét 11 phương án mà GAO đề xuất nhằm giúp Quốc hội và các cơ quan liên bang xác định các hành động nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống cháy rừng trên toàn quốc.
GAO cho rằng, công tác này được cải thiện có thể làm giảm rủi ro tài chính của toàn chính quyền liên bang, cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân sau thảm họa đồng thời làm tăng tốc độ khắc phục các hậu quả.
Ngoài ra, Ủy ban này cũng có thể xem xét đưa ra các phương án để nâng cao khả năng phục hồi sau thảm họa cũng như đảm bảo tính công bằng về lợi ích cung cấp cho người dân.
FEMA cho biết, Cơ quan thường xuyên xây dựng các kế hoạch hành động, trong đó đưa ra các cách tiếp cận thống nhất, các chiến lược để giảm thiểu rủi ro ở cấp quốc gia, tiểu bang, khu vực và địa phương nhằm đạt được mục tiêu quan trọng là cải thiện các nỗ lực ứng phó, phục hồi và giảm thiểu nguy cơ cháy rừng trên toàn Liên bang, giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Hiện nay, FEMA vẫn đang thực hiện các hành động để giải quyết những thách thức phát sinh sau thảm họa và GAO sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm toán để đánh giá những nỗ lực này của Cơ quan./.
(Theo GAO và Fema.gov)