Kiểm toán nội bộ cần chủ động ứng phó với những biến động của nền kinh tế

(BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) có lợi thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tổ chức quản lý, kiểm soát rủi ro, cũng như chủ động thích ứng với các biến động của nền kinh tế.

8-.png

Khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động

Theo nghiên cứu “Thích ứng với sự bất ổn kinh tế: Hành trình của KTNB” do Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) công bố mới đây, 56% chuyên gia KTNB đánh giá sự không chắc chắn của nền kinh tế gây ra rủi ro cho tổ chức ở mức độ từ cao đến rất cao. Trong đó, vốn tài chính, dòng tiền và rủi ro thanh khoản là 3 lĩnh vực có rủi ro lớn nhất bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát sự ổn định và thanh khoản tài chính trong những thời điểm không chắc chắn. Ngoài ra, lừa đảo, hối lộ, tội phạm tài chính và thị trường/giao dịch cũng nằm trong nhóm có rủi ro cao khi nền kinh tế biến động.

Cũng theo khảo sát của IIA, 73% kiểm toán viên (KTV) nội bộ ủng hộ việc bổ sung nội dung quản lý rủi ro nền kinh tế vào kế hoạch kiểm toán giai đoạn 2023-2034. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ 11% các nhóm KTNB hỗ trợ tổ chức lập kế hoạch ứng phó với các kịch bản kinh tế và cũng chỉ có 23% KTV tham gia vào các cuộc kiểm tra sức chịu đựng tài chính do tổ chức của họ thực hiện.

Trong thời kỳ kinh tế biến động, KTV nội bộ cần phải cân bằng giữa việc không đưa ra những cảnh báo quá sốc gây hoang mang cho tổ chức, nhưng vẫn phải đảm bảo ban quản lý hiểu rõ về những rủi ro mà nền kinh tế gây ra.

Một tỷ lệ đáng chú ý là có tới 42% KTV cho biết kế hoạch kiểm toán của họ hiện không bao gồm bất kỳ nội dung nào liên quan đến các biện pháp phục hồi trước những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Thậm chí, các KTV còn xác định rằng, việc lập kế hoạch ứng phó với các kịch bản kinh tế (23%), kiểm tra sức chịu đựng tài chính (11%) và các bài tập mô phỏng tài chính/kinh tế (11%) là những biện pháp chính mà KTNB có thể triển khai để hỗ trợ tổ chức quản lý rủi ro liên quan đến tình trạng bất ổn kinh tế. Nhưng các biện pháp này lại không được KTNB sử dụng đúng mức. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng rất lớn trong khả năng sẵn sàng ứng phó của KTNB đối với những biến động kinh tế vĩ mô.

Cuộc khảo sát của IIA cũng chỉ ra rằng, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nguồn lực dành cho KTNB cũng bị giảm khiến cho các KTV phải đối mặt với thách thức làm việc nhiều hơn nhưng ngân sách ít hơn. Thêm vào đó, sự thiếu hụt nhân lực, thay đổi môi trường làm việc cũng tạo áp lực cho KTNB khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho KTNB phản ứng chậm khi đối mặt những biến động/khủng hoảng kinh tế.

Chủ động để bảo vệ tổ chức trước những rủi ro

Các chuyên gia của IIA nhấn mạnh rằng, KTNB hoàn toàn có thể chủ động trong việc tiếp cận và hỗ trợ tổ chức chuẩn bị trước kịch bản ứng phó với những cú sốc kinh tế. Theo đó, các KTV vừa theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế vĩ mô để dự đoán những rủi ro trong tương lai, vừa chỉ ra những điểm yếu của tổ chức khi trải qua những thời kỳ biến động kinh tế trước đây, từ đó cập nhật một danh sách gồm các rủi ro hiện hữu, rủi ro tiềm tàng. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác (tài chính, nhân sự, quản lý rủi ro, văn phòng, ban lãnh đạo…) sẽ giúp KTV hiểu biết toàn diện và truyền đạt kịp thời về các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến suy thoái kinh tế.

Để không rơi vào thế bị động, KTNB cần điều chỉnh kế hoạch kiểm toán theo hướng ưu tiên các khu vực có rủi ro cao bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn của nền kinh tế. Cùng với đó, KTV có thể phối hợp với các nhóm quản lý rủi ro để phân tích dự báo dòng tiền và mức nợ; kiểm toán chi phí; đánh giá tính hiệu quả của các dự án và khoản đầu tư lớn giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến tài chính; đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp chống gian lận; đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính và duy trì hoạt động trong thời kỳ kinh tế biến động.

KTV nội bộ không phải là nhà dự báo kinh tế hay chuyên gia chứng khoán, nhưng trong thời kỳ bất ổn, họ có thể đánh giá về những rủi ro, kiểm tra “sức khỏe” tài chính và giúp tổ chức lập kế hoạch ứng phó với các kịch bản kinh tế một cách hiệu quả và phù hợp.

Giám đốc điều hành IIA Anne Kiem OBE

Một nhiệm vụ quan trọng của KTNB là giúp tổ chức xây dựng kế hoạch cho các tình huống kinh tế thông qua việc xác nhận các giả định, đánh giá tác động của rủi ro và thử nghiệm các chiến lược giảm thiểu rủi ro tương ứng. Các KTV cũng cần lưu ý đến việc đánh giá tính hiệu quả và độ chắc chắn của các biện pháp kiểm tra sức chịu đựng tài chính - công cụ giảm thiểu rủi ro trong thời điểm kinh tế khủng hoảng.

Không chỉ xác định rủi ro, KTNB còn phải đánh giá tác động dây chuyền mà rủi ro gây ra đối với từng lĩnh vực và toàn tổ chức. Như vậy, các cuộc kiểm toán kéo dài sẽ không phù hợp với mục tiêu đề ra, thay vào đó, kiểm toán liên tục, linh hoạt, đưa ra các khuyến nghị nhanh chóng và hiệu quả là lựa chọn phù hợp. Muốn làm được như vậy, phân tích dữ liệu phải trở thành nền tảng của chức năng KTNB. Việc sử dụng các thử nghiệm dựa trên dữ liệu là rất cần thiết vì nó nâng cao khả năng của KTV trong việc xác định các rủi ro, đánh giá tính hiệu quả và cơ hội tăng trưởng.

Những đóng góp của KTNB trong thời kỳ suy thoái kinh tế đôi khi bị đánh giá thấp dẫn tới nguy cơ bị tổ chức thu hẹp nguồn lực. Cung cấp thông tin kịp thời về rủi ro mới nổi và tiến hành các cuộc kiểm toán phù hợp là hành động mạnh mẽ nhất giúp KTNB chứng minh giá trị của mình trong môi trường kinh tế đầy thách thức./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nội bộ cần chủ động ứng phó với những biến động của nền kinh tế